Việt Nam tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao giờ?
Truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương đã có từ bao giờ và tại sao lễ giỗ được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch là điều nhiều người còn chưa rõ.

Nghi thức tế lễ truyền thống tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân
Người Việt Nam ai cũng quen thuộc với câu ca dao: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ mồng 10 tháng 3". Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội truyền thống quan trọng của Việt Nam, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ các vua Hùng, những người lập nên và lãnh đạo nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Người Việt Nam tổ chức giỗ các vua Hùng từ bao giờ?
Các nhà nghiên cứu cho biết người Việt thờ cúng các vua Hùng từ khoảng 2.000 năm trước. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, khẳng định lòng trung kiên và sự tôn thờ miếu Tổ Hùng Vương, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập".
Theo Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sỹ Nguyễn Cố biên soạn dưới thời vua Lê Thánh Tông, từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần cho đến thời Hậu Lê, vua quan và nhân dân địa phương đều coi trọng việc lễ bái các vua Hùng tại đền ở Phú Thọ. Các triều đại phong kiến Việt Nam giao thẳng cho dân sở tại nhiệm vụ trông nom, sửa chữa Đền Hùng, thờ cúng và tổ chức lễ giỗ Hùng Vương. Người dân địa phương nhờ thế mà được triều đình miễn các khoản thuế ruộng, miễn sưu dịch và đi lính.
Như vậy, có thể thấy thờ tự, cúng giỗ các vua Hùng là một truyền thống có từ rất sớm.
Về việc xác định ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng (Đền Hùng, Phú Thọ) do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn ghi như sau: "Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 là ngày 11 tháng 3 một ngày, còn ngày giỗ (11 tháng ba) do dân sở tại làm lễ”.
Đề xuất này được triều đình chấp nhận. Trước đó, dân vùng đất Tổ làm giỗ Vua Hùng vào ngày 11/3 âm lịch; có địa phương cúng Tổ vào ngày 12/3, kết hợp cúng Thổ kỳ. Đến thời Khải Định, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức được thống nhất là ngày 10/3.

Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng