Việt Nam thành điểm đến tiềm năng của dòng vốn Australia

Các chuyên gia cấp cao tại HSBC đánh giá thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đầy tiềm năng và các doanh nghiệp Australia cần tận dụng đòn bẩy để đầu tư hiệu quả.

 Thị trường tiêu dùng Đông Nam Á dự báo đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2030. Nguồn: SCMP.

Thị trường tiêu dùng Đông Nam Á dự báo đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2030. Nguồn: SCMP.

Cuối tháng 8, lãnh đạo các chính phủ và doanh nghiệp từ Australia và khu vực Đông Nam Á đã gặp gỡ, thảo luận về những cơ hội hợp tác giữa Australia với một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong báo cáo mới nhất, Tổng giám đốc HSBC Australia và New Zealand Antony Shaw cùng Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans đánh giá việc Diễn đàn Kinh doanh Australia - ASEAN diễn ra chỉ sau sự kiện mang tính lịch sử là Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia cho thấy tham vọng của chính phủ Australia về vai trò tại Đông Nam Á.

Thị trường hấp dẫn

Đông Nam Á được nhận định có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu vào cuối thập niên này nhờ cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng nhanh, thị trường tiêu dùng sẽ đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2030, ứng dụng các công nghệ số và những lĩnh vực kinh tế mới.

Đồng thời, thị trường này còn được hưởng lợi từ các xu hướng địa chính trị dài hạn như việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đông Nam Á đã trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với nhiều công ty công nghệ và kinh tế mới. Nền kinh tế số của khu vực này có thể đạt giá trị 600 tỷ USD trong vòng 6 năm tiếp theo”, lãnh đạo HSBC đánh giá.

Theo 2 vị lãnh đạo cấp cao của HSBC, hành lang kinh tế Australia và Việt Nam là một trong những mối quan hệ hợp tác quan trọng trong khu vực.

Nền kinh tế số của Việt Nam hiện giữ mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong 2 năm liên tiếp, và được dự báo tăng 11 lần, đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, chiếm hơn 1/3 giá trị toàn khu vực.

Nhờ lực lượng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, Việt Nam cũng được kỳ vọng giữ vững vị thế này trong năm tới.

Bối cảnh này đối với doanh nghiệp Australia khiến vấn đề đặt ra không còn là có nên tiến vào thị trường này hay không, mà là làm điều đó như thế nào.

 Nền kinh tế số của Việt Nam ước tính sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt 220 tỷ USD, tương đương khoảng một nửa GDP hiện tại. Ảnh: SCMP.

Nền kinh tế số của Việt Nam ước tính sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt 220 tỷ USD, tương đương khoảng một nửa GDP hiện tại. Ảnh: SCMP.

Đòn bẩy đầu tư

Là môi trường đầu tư hấp dẫn và quan trọng, theo lãnh đạo cấp cao của HSBC, có một số đòn bẩy mà cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia phải, và có thể sử dụng để tham tiến vào thị trường này.

Đầu tiên, không chỉ nhìn vào số liệu thống kê của Đông Nam Á mà cần đi sâu hơn tìm hiểu cơ hội ở từng quốc gia.

Một yếu tố cần xem xét đến là số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Việt Nam hiện có 16 FTA đang có hiệu lực với đa dạng quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới, cùng với 3 FTA đang trong quá trình đàm phán.

Trong cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines, cả hai quốc gia đều hướng đến tăng cường quan hệ đối tác kinh tế, với trọng tâm đạt 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong 3 năm tới. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại hai chiều lớn thứ 14 của Australia.

“Doanh nghiệp Australia phải năng động và nắm bắt các cơ hội này”, lãnh đạo HSBC nhận định.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp Australia cần có chiến lược phù hợp. Không gì có thể thay thế bằng việc trực tiếp đi thực địa để hiểu về thị trường Việt Nam, cũng như bày tỏ ý định hợp tác với các đối tác tiềm năng tại địa phương.

Bên cạnh thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là đòn bẩy quan trọng tạo sức hút. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Australia hiện đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào hơn 600 dự án tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đầu tư 584 triệu USD vào Australia. Cả hai quốc gia đã đồng thuận sẽ tăng mức đầu tư song phương lên gấp đôi trong 3 năm tiếp theo. Đây chắc chắn là lĩnh vực mà Australia có thể mang lại giá trị đặc thù.

Đáng chú ý, khi dân số tăng trưởng, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cần chi tiêu nhiều hơn để xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng để phục vụ người dân.

Hiện nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực ASEAN vẫn còn thiếu 3.000 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỷ USD/năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tức là cần huy động tổng cộng khoảng 600 tỷ USD tới năm 2040

Chuyên gia cấp cao tại HSBC

Hiện nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực ASEAN vẫn còn thiếu 3.000 tỷ USD. Đến năm 2040, trung bình hàng năm cần chi tiêu 210 tỷ USD để giải quyết sự thiếu hụt này.

Trong đó, Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỷ USD/năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tức là cần huy động tổng cộng khoảng 600 tỷ USD tới năm 2040.

Ngoài ra, theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam cần hơn 200 tỷ USD để nâng cấp giao thông công cộng và hệ thống hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn cho đến năm 2030.

Trong khi đó, quỹ tiết kiệm hưu trí trị giá 3.900 tỷ AUD (2.627 tỷ USD) của Australia đang đối mặt với một thách thức khó khăn là chưa tìm được các dự án đầu tư đủ lớn để đảm bảo triển khai vốn, mà các ưu tiên gọi vốn của Đông Nam Á trong các lĩnh vực giao thông, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và trung tâm dữ liệu lại hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, 2 lãnh đạo HSBC đánh giá việc rót vốn vào các dự án mới trong khu vực khá phức tạp đối với các quỹ hưu trí tại Australia, do một số rủi ro liên quan đến quy định, xây dựng, đất đai và nhu cầu khách hàng.

Do vậy, sự hỗ trợ từ các chính phủ là vô cùng quan trọng. Quỹ tài trợ Đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ AUS (1,35 tỷ USD) của chính phủ Australia sẽ giúp giải quyết một số thách thức mà các tổ chức đầu tư Australia phải đối mặt, cũng như đảm bảo đầu tư vào các dự án ASEAN.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/viet-nam-thanh-diem-den-tiem-nang-cua-dong-von-australia-post1503427.html
Zalo