Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo

Liên quan đến nội dung chính sách miễn học phí cho con nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo, sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới, ngày 11/10, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có chia sẻ với báo chí.

Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo. Ảnh: TTXVN

Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo. Ảnh: TTXVN

Thưa ông, Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng dựa trên những quan điểm nào, và đến nay đã có những tiếp thu, điều chỉnh gì, để có thể trình tại Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XV?

Việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo bám sát một số quan điểm như: Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về nhà giáo; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; kiến tạo một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo; bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trên thế giới có quy định của pháp luật về nhà giáo.

Trong đó, trọng tâm là sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá, để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo trong và ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Một số điểm cập nhật trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp thứ 37, 38 như sau:

Dự thảo Luật Nhà giáo (bản chỉnh lý đến ngày 1/10/2024) gồm 9 chương, 45 điều. Dự thảo bám sát tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là luật ngắn gọn, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trước đó, Dự thảo Luật Nhà giáo đã trình Quốc hội tại Tờ trình số 406/TTr-CP ngày 6/9/2024, gồm 9 chương, 71 điều.

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội lần này được điều chỉnh, nhưng vẫn bám sát và thể hiện nội dung của 5 chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua tại giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật; đồng thời làm rõ hơn định hướng: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức, thực hiện các quy định của Luật Viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập là người lao động, thực hiện các quy định của Bộ Luật lao động và các quy định đặc thù của nhà giáo.

Để đảm bảo tính toàn diện, bình đẳng, đồng bộ về nhà giáo trong toàn hệ thống, dự thảo đã tăng tối đa các nội dung quy định chung, không phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập (tập trung ở các nội dung quy định về chức danh, chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, quyền và nghĩa vụ, chính sách bồi dưỡng, chính sách hỗ trợ, thu hút, thi đua, khen thưởng); đồng thời có những quy định cụ thể với những nội dung chính sách cần có sự phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập trong từng điều khoản (về thẩm quyền, phương thức tuyển dụng, về thử việc, trả lương…).

Những tác động tích cực của Luật Nhà giáo khi ban hành sẽ đem lại là gì, thưa ông?

Với Luật Nhà giáo, ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo, vì đã có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, trên cơ sở chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về chất lượng.

Cùng với đó, nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp. Luật cũng góp phần mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện và quy định trách nhiệm đối với nhà giáo trong tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và phát triển nghề nghiệp liên tục; góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề.

Một điểm nữa, khi Luật được ban hành, sẽ tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo trong và ngoài công lập. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập với tư cách nhà giáo, chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động.

Về đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo được dư luận rất quan tâm; xin ông lý giải vì sao lại có đề xuất này?

Việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù. Ví dụ: Chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí cho thân nhân của sỹ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã được quy định tại Luật Công an Nhân dân, Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia, ngoài các quy định về chính sách đối với nhà giáo, còn quy định các chính sách ưu đãi cho thân nhân của nhà giáo. Với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển, cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo, thu hút người giỏi vào ngành, Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện để nhà giáo có cuộc sống tốt hơn, yên tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội, nhà giáo, cử tri và nhân dân cả nước, để điều chỉnh kịp thời, nếu đủ căn cứ.

Với nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo mối tương quan với các ngành nghề khác và điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, để chỉnh sửa trong dự thảo Luật, trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội là: Những vấn đề gì đã "chín", đã rõ, đồng thuận cao, thì đưa vào Luật; đưa các nội dung chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng, hoặc các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao, ra khỏi dự thảo Luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Vân (ghi)/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/bo-giao-duc-va-dao-tao-tra-loi-ve-chinh-sach-mien-hoc-phi-cho-con-nha-giao-20241011150719633.htm
Zalo