Việt Nam tham gia thử nghiệm vaccine phòng lao mới
Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine phòng lao mới sẽ được triển khai tại 7 quốc gia ở các châu lục khác nhau, riêng châu Á có Việt Nam và Indonesia. Thời gian dự kiến vào đầu năm 2024, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ định là 1 trong 7 nước tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine phòng lao mới. Dự kiến các hoạt động sẽ bắt đầu trong năm 2024. Các quy trình kỹ thuật đều được thực hiện dưới sự giám sát của WHO
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, vaccine phòng lao mới khác biệt hẳn với vaccine phòng lao hiện tiêm cho trẻ. Vaccine mới áp dụng công nghệ ADN giống với nguyên lý của vaccine phòng COVID-19 của Pfizer.
Vaccine lao tại Việt Nam hiện nay là BCG (Bacillus Calmette-Guerin), chứa vi khuẩn gây bệnh lao ở dạng bất hoạt độc lực.
Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine mới sẽ được triển khai tại 7 quốc gia ở các châu lục khác nhau, riêng châu Á có Việt Nam và Indonesia. Thời gian dự kiến vào đầu năm 2024, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng,.
"Quá trình thử nghiệm đến lúc vaccine được vào sử dụng có thể kéo dài 4-7 năm. Khi được sử dụng rộng rãi, vaccine này kỳ vọng sẽ "triệt tiêu" bệnh lao toàn cầu", TS Đinh Văn Lượng cho hay.
Ước tính năm 2022 trên thế giới có 10,6 triệu ca mắc lao và 1,6 triệu người tử vong. Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao, với 103.000 bệnh nhân lao năm 2022. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện và điều trị, trở thành nguồn lây trong cộng đồng, khiến tỷ lệ ca mắc mới và tử vong tăng.
Lao là bệnh diễn biến âm thầm, từ khi phát hiện bệnh đến khi bệnh chuyển biến nặng đã lây lan sang nhiều người khác. Phát hiện sớm, điều trị sớm là biện pháp giảm nhanh nguồn lây trong cộng đồng.
Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao phiên bản nâng cấp kỳ vọng sẽ giúp giám sát ca bệnh lao và lao tiềm ẩn, quản lý chương trình thông qua các công cụ nâng cao nhằm góp phần củng cố dịch vụ điều trị và dự phòng lao tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.