Việt Nam tham gia cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế
Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép và giao Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới ICAO về việc tham gia CORSIA giai đoạn tự nguyện từ 01/01/2026 theo hướng dẫn của ICAO.

Việt Nam tham gia cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN
Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo giao Cục Hàng không Việt Nam với vai trò Nhà chức trách hàng không, là cơ quan đầu mối thực hiện thủ tục thông báo với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về việc tham gia CORSIA (theo hướng dẫn của ICAO).
Trên cơ sở đó, ngày 30/6, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn tất thủ tục đăng ký với ICAO về việc tham gia cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế giai đoạn tự nguyện.
ICAO đã có thông tin phản hồi xác nhận Cục Hàng không Việt Nam chính thức tham gia CORSIA giai đoạn tự nguyện từ ngày 01/01/2026.
CORSIA (Carbon Offsetting and Reduction Scheme for International Aviation) là cơ chế toàn cầu do ICAO khởi xướng nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực hàng không quốc tế từ năm 2020 trở đi. Các quốc gia khi tham gia CORSIA sẽ phải giám sát, báo cáo và thực hiện các biện pháp bù đắp lượng phát thải khí CO2 từ các chuyến bay quốc tế thông qua việc mua tín chỉ carbon.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép và giao Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới ICAO về việc tham gia CORSIA giai đoạn tự nguyện từ 01/01/2026 theo hướng dẫn của ICAO.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng (Bộ Giao thông vận tải trước đây) và Cục Hàng không Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu theo CORSIA như: xây dựng và ban hành Thông tư quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng; thực hiện giám sát - báo cáo - thẩm tra (MRV) phát thải CO2 với các chuyến bay quốc tế, báo cáo ICAO dữ liệu phát thải các năm 2019 -2024...
Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, nắm tình hình về chính sách liên quan tới phát triển bền vững trên thế giới nói chung và của EU nói riêng; nhiều lần trao đổi, họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan về những khó khăn khi tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA từ ngày 01/01/2026, cũng như việc Liên minh châu Âu (EU) ban hành các chính sách mới về phát triển bền vững để thống nhất đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể với Nhà nước và các bộ, ngành liên quan.