Đồng Tháp mới - mở ra kỳ vọng mới

Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tối ưu hóa mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Sau quá trình sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp với quy mô diện tích tự nhiên rộng hơn 5.900km2 và dân số hơn 4,2 triệu người, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên phát triển đầy triển vọng.

Quang cảnh phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp nhìn từ trên cao (Ảnh: T. Lâm)

Quang cảnh phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp nhìn từ trên cao (Ảnh: T. Lâm)

MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã đã tạo ra không gian phát triển rộng lớn cho Đồng Tháp. Với quy mô dân số, diện tích và nguồn lực được gia tăng đáng kể, tỉnh sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và logistics.

Sự liên kết vùng sau sáp nhập trở nên chặt chẽ hơn khi Đồng Tháp tận dụng hiệu quả hệ thống sông ngòi (sông Tiền, sông Hậu) và các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Điều này không chỉ giúp tăng quy mô kinh tế mà còn tạo tiền đề để quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp mũi nhọn là trái cây, lúa gạo, thủy sản, trở thành các vùng sản xuất lớn, hiện đại, chuyên sâu của cả nước.

Không gian phát triển mở rộng giúp Đồng Tháp thu hút đầu tư tốt hơn nhờ thị trường tiêu dùng được mở rộng, quy hoạch phát triển nhất quán và khả năng liên kết vùng hiệu quả. Đặc biệt, không gian này sẽ kết nối vùng Đồng Tháp Mười với cửa ngõ ven biển phía Đông (Gò Công, biển Tân Thành), tăng cường tính kết nối nông thôn - đô thị - biển.

Đồng Tháp đóng vai trò quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm gần các vùng động lực tăng trưởng kinh tế lớn như: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, TP Cần Thơ. Tỉnh kết nối với các địa phương này thông qua hệ thống đường bộ, đường sông và đường biển.

Sự sáp nhập này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hình thành không gian kinh tế rộng lớn, gia tăng năng lực cạnh tranh vùng. Đồng Tháp sau sáp nhập sẽ phát huy thế mạnh về công nghiệp, xuất khẩu, nông nghiệp hàng hóa, đồng thời tăng cường liên kết hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế biển - nông nghiệp - đô thị.

Phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhìn từ trên cao (Ảnh: Hoàng Trọng)

Phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhìn từ trên cao (Ảnh: Hoàng Trọng)

PHÁT HUY TIỀM NĂNG THẾ MẠNH VỐN CÓ

Trong những năm qua, Đồng Tháp đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội như việc hoàn thành 100% chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; trở thành tỉnh tiên phong trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước và hoàn thành tỉnh nông thôn mới. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định: “Tỉnh Đồng Tháp mới với sự hình thành từ 2 tỉnh nông thôn mới chắc chắn sẽ nhân lên gấp nhiều lần những giá trị, điều kiện thuận lợi để phát triển, trở thành một trong những địa phương tiên phong trong cả nước phát huy hiệu quả các kết quả nông thôn mới, phấn đấu đạt các tiêu chí mới, tiên phong trong xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Với vị trí chiến lược trong Tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp sở hữu 32km đường bờ biển, cùng khoảng 5.000ha cồn, bãi bồi ven biển với tiềm năng phát triển kinh tế biển dồi dào. Tỉnh cũng có đường biên giới dài hơn 50km giáp Campuchia, với Cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế.

Đồng Tháp là một trong những địa phương đi đầu về sản xuất lúa gạo, hoa màu, hoa kiểng, cây ăn trái và nuôi trồng, khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Hệ thống đường bộ và đường thủy được đầu tư, giúp kết nối hiệu quả với TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Đặc biệt, Đồng Tháp nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng như: xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, cá tra xuất khẩu... Bên cạnh đó, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch nông nghiệp; các Khu du lịch sinh thái nổi tiếng như: Tràm Chim, Gáo Giồng, Đồng sen Tháp Mười... thu hút đông đảo du khách với cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng.

Cầu Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kết nối giao thông giữa các vùng (Ảnh: Nhựt An)

Cầu Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kết nối giao thông giữa các vùng (Ảnh: Nhựt An)

Với kim ngạch xuất khẩu cao trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp sở hữu thế mạnh về công nghiệp chế tạo, chế biến, thủy sản, dệt may, da giày; với vùng nguyên liệu rộng lớn, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Sự kết hợp này sẽ tạo ra chuỗi giá trị liên hoàn giữa vùng nguyên liệu và vùng chế biến, giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với sự sắp xếp đơn vị hành chính chiến lược, Đồng Tháp đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn, hướng tới mục tiêu trở thành một tỉnh tiên phong và kiểu mẫu trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả nước.

DƯƠNG ÚT

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/dong-thap-moi-mo-ra-ky-vong-moi-132639.aspx
Zalo