Bao giờ mô hình drive-thru phát triển ở Việt Nam?

Cửa hàng drive-thru đầu tiên của Highlands Coffee khai trương tại TPHCM giữa tháng 6-2025. Tuy vậy, lượng khách lái xe hơi và xe máy đặt hàng khá khiêm tốn so với lượng khách đến ngồi tại quán. Khách đến chụp hình đăng trang cá nhân tràn ngập lối xe ra vào, không gian bên trong và bên ngoài quán…

Số xe hơi và xe máy vào mua cà phê tại cửa hàng drive-thru của Highlands hiện khá khiêm tốn so với lượng khách ngồi tại quán. Ảnh: Ricky Hồ

Số xe hơi và xe máy vào mua cà phê tại cửa hàng drive-thru của Highlands hiện khá khiêm tốn so với lượng khách ngồi tại quán. Ảnh: Ricky Hồ

Liệu mô hình drive-thru (drive through) của các chuỗi F&B tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh như kỳ vọng của các công ty điều hành? Bởi năm 2014, McDonald’s là chuỗi fast food đầu tiên đem mô hình drive-thru vào Việt Nam. Đến nay, số cửa hàng dạng này của ngành F&B vẫn là số ít trên một bàn tay.

Khách ngồi đông hơn khách lái xe

Chiều tối cuối tuần, cửa hàng drive-thru đầu tiên của Highlands trên đường một chiều Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình đông nghẹt. Trong vòng một tiếng đồng hồ, chỉ có khoảng 10 chiếc xe hơi rẽ vào đây đặt hàng.

Trong khi đó, hai nhân viên giữ xe tất bật giữa bãi xe tràn ngập xe máy và liên tục từ chối nhận xe mới do “quán không còn chỗ”. Một vài nhân viên phục vụ trong quán được điều ra ngoài để yêu cầu khách tránh lối cho xe hơi, từ bên ngoài đến quầy đặt món và quầy thanh toán, lấy hàng.

Lượng khách ngồi ở cửa hàng Hoàng Văn Thụ luôn áp đảo lượng khách lái xe đến đặt hàng. Họ thường đợi lâu hơn khi gọi món. Trong khi khách lái xe chỉ cần trung bình ba phút từ khi đặt đến khi lấy hàng và rời khỏi đây. Các món của tiệm drive-thru được tinh gọn hơn so với cửa hàng, có thêm các món mặn thích hợp như bánh mì Việt Nam, hot dog… cho khách vừa ra khỏi sân bay, trên đường vào trung tâm thành phố hay tỏa đi các tỉnh thành khác…

Thành lập năm 1999, Highlands hiện là chuỗi cà phê lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 800 cửa hàng trong nước và 50 cửa hàng ở Philippines, phần lớn tập trung ở thủ đô Manila. Hồi tháng 4-2025, nhà sáng lập David Thái (Thái Phi Điệp) lần đầu tiên xuất hiện và trả lời báo chí kể từ khi thành lập chuỗi. Nhân dịp này, chuỗi khởi động trở lại kế hoạch IPO (chào bán công khai cổ phiếu lần đầu), sau khi đình hoãn IPO vào năm 2019 và bán bớt cổ phần năm 2022. Cửa hàng drive-thru khai trương dịp này “có lẽ nằm trong kế hoạch truyền thông trước IPO của chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam”, một nhà tư vấn F&B nói với Kinh tế Sài Gòn với điều kiện không nêu tên.

Mô hình drive-thru thâm nhập Đông Nam Á

Drive-thru là một loại hình kinh doanh, đặc biệt phổ biến trong ngành F&B, cho phép khách hàng mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ mà không cần rời khỏi xe. Khách hàng có thể lái xe đến khu vực được chỉ định, đặt hàng, thanh toán và nhận hàng trực tiếp trên xe. Drive-thru ra đời tại Mỹ trong những năm của thập niên 1940, và thường áp sát đường cao tốc. Mô hình này ngày một phát triển nhanh bởi khách không đủ thời gian để ghé vào ngồi ở tiệm cà phê hay tiệm đồ ăn thông thường. Một cửa hàng drive-thru thường có doanh thu cao hơn cửa hàng bình thường 20%, và với một số cửa hàng doanh thu từ khách lái xe chiếm 60-70%.

Mô hình drive-thru sau đó nhanh chóng du nhập vào các nước Đông Nam Á. Chuỗi thức ăn nhanh A&W của Mỹ mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1967 tại Petaling Jaya, gần thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, và kế đến là Singapore vào năm 1970. Các chuỗi F&B khác cũng lần lượt xâm nhập thị trường Đông Nam Á. Mãi đến năm 2010, McDonald’s mới hiện diện ở Bangkok. Tại Thái Lan, các thương hiệu như McDonald’s và KFC yêu cầu thiết lập ba cửa sổ giao hàng, Starbucks chỉ có hai. Chính phủ Singapore thì có quy định cụ thể khoảng cách giữa các cửa hàng drive-thru, tập trung ở các khu công nghiệp và xa trung tâm.

Thông thường, các cửa hàng drive-thru chỉ có một làn xe vào và ra. Tuy nhiên, Jollibee - chuỗi gà rán lớn nhất của Philippines - đang áp dụng mô hình hai làn xe vào và ra cùng lúc tại xứ này và thị trường Mỹ, nhằm rút ngắn một nửa thời gian chờ đợi và phục vụ, đồng thời tăng gấp đôi doanh số.

Năm 2014, doanh nhân Việt kiều Henry Nguyễn Bảo Hoàng khai trương các cửa hàng McDonald’s với mô hình drive-thru trên đường Điện Biên Phủ (quận 1), Quang Trung (Gò Vấp), Kinh Dương Vương (quận 6). Đến năm 2018, thương hiệu fast food này có thêm cửa hàng drive-thru ở đường Âu Cơ (Tân Bình). Dù vị doanh nhân Việt kiều đặt mục tiêu 100 nhà hàng trong 10 năm đầu tiên, nhưng đến cuối năm 2024 McDonald’s có khoảng 35-36 cửa hàng, phần lớn ở TPHCM và Hà Nội. Có người nói số cửa hàng drive-thru của McDonald’s trên khắp các tỉnh thành hiện nay là 10. Một số tài liệu nói Starbucks, KFC cũng có cửa hàng drive-thru…

Thực tế khắc nghiệt

Các chuyên gia F&B cho rằng một cửa hàng vật lý của Highlands cần phải đạt doanh số trung bình 17-18 triệu đồng mỗi ngày. “Ở một mặt bằng đắt giá hơn, doanh số trung bình trong ngày của cửa hàng phải đạt 25 triệu đồng, tức là cần phục vụ ít nhất 500 khách chi tiêu 50.000 đồng trong ngày. Nếu một cửa hàng mở từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, trung bình mỗi giờ phải có 30 khách, chưa kể lượng đơn qua ứng dụng. Đây mới chỉ đủ tiền để trả chi phí mặt bằng, còn phải tính đến giá thành nguyên liệu, điện nước và nhân công”, ông Lê Minh Vũ, đối tác quản lý của FnB Academy, nói với Kinh tế Sài Gòn trong một quán Highlands trên đường Lý Tự Trọng, quận 1.

Cửa hàng drive-thru mang lại các yếu tố tiện lợi, tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu “nhanh, gọn, lẹ” của người mua, mở rộng tệp khách hàng… Nhưng mô hình này cũng vẫn tồn tại nhược điểm. Đến nay, McDonald’s chỉ còn điểm drive-thru duy nhất trên đường Điện Biên Phủ, theo lời của ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School.

Theo một số chuyên gia F&B, drive-thru không đơn thuần là hình thức phục vụ đồ ăn qua cửa xe, mà là một mô hình vận hành khắt khe, yêu cầu hệ sinh thái thị trường phải đủ độ trưởng thành để hỗ trợ. Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn tiềm năng của drive-thru, chưa đủ độ chín về hạ tầng, hành vi và hệ thống hỗ trợ để biến mô hình này thành dòng doanh thu ổn định.

“Thói quen tiêu dùng vẫn thiên về trải nghiệm ngồi lại, tương tác trực tiếp. Mật độ xe hơi tuy tăng nhanh nhưng chưa tạo được áp lực đủ lớn để thay đổi hành vi tiêu dùng. Trong khi đó, quy hoạch mặt bằng tại các đô thị chưa cho phép bố trí làn xe phù hợp cho mô hình drive-thru. Hơn nữa, các thương hiệu nội địa chưa có đủ công nghệ và quy trình chuyên biệt để vận hành hiệu quả”, ông Đỗ Duy Thanh nói.

Cả hai chuyên gia F&B tin rằng mô hình drive-thru tại Việt Nam sẽ phát triển, nhưng không theo chiều rộng mà theo chiều sâu - tức phát triển có chọn lọc tại các điểm có chiến lược. Đặc biệt là khi tỷ lệ sở hữu xe hơi cá nhân tăng lên và tiếp tục lan rộng giữa các đô thị vệ tinh, các tuyến giao thông kết nối giữa các khu dân cư, khu công nghiệp và sân bay.

“Tương lai của drive-thru sẽ nằm ở nhóm thương hiệu dám đầu tư dài hạn, chọn vị trí chiến lược, tích hợp công nghệ ngay từ đầu và chấp nhận thua lỗ giai đoạn đầu để đổi lấy hành vi tiêu dùng mới. Drive-thru không phải là mô hình để “bắt trend”. Đây là lời tuyên bố rằng thương hiệu đã đủ tầm để tham gia vào cuộc chơi toàn cầu - nơi tốc độ, tiện lợi và khả năng chuẩn hóa quy trình mới là giá trị cốt lõi”, ông Đỗ Duy Thanh nói.

Ông cũng tin rằng việc vận hành mô hình drive-thru thành công ở nội địa sẽ làm đậm năng lực điều hành của chuỗi cà phê Việt Nam. Đặc biệt nếu thương hiệu này thực hiện IPO hay mở rộng quốc tế, nhất là đến những nơi drive-thru chiếm tỷ lệ lớn đến 60-70% doanh thu ngành F&B.

Drive-thru được định nghĩa là dịch vụ “nhà hàng không cần bàn ghế” hay “khách không cần xuống xe để đặt hàng, thanh toán và lấy hàng”. Với các ứng dụng đặt đồ ăn phổ biến hiện nay ở TPHCM, Hà Nội cũng có hình thức gần giống với drive-thru tuy nhiên có điều khác là đa số tài xế phải đến cửa hàng, xuống xe vào cửa hàng để nhận đơn hàng. Một số chuyên gia ngành F&B tin rằng khó sớm có sự tinh chỉnh để mọi cửa hàng F&B hiện nay trở thành drive-thu dành cho tài xế của các ứng dụng F&B này.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-gio-mo-hinh-drive-thru-phat-trien-o-viet-nam/
Zalo