Việt Nam sẽ có thêm 2 tuyến cáp quang biển quốc tế vào cuối năm 2023
Hai tuyến cáp quang biển quốc tế SJC 2 và ADC do VNPT và Viettel tham gia đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2023, đầu năm 2024
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết tuyến cáp quang biển quốc tế SJC 2 (South East Asia - Japan 2 Cable System) kết nối 6 quốc gia do đơn vị này tham gia đầu tư đã đạt tỷ lệ xây dựng khoảng 60%; trong đó hoàn thành 8/10 điểm cập bờ, đã thi công được 63% cáp biển. Dự kiến SJC2 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2023.
SJC2 có tổng chiều dài cáp ngầm dưới biển là 10.500km; kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm 10 điểm cập bờ, trong đó điểm cập bờ Việt Nam là tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Tuyến cáp có vốn đầu tư ban đầu là 439 triệu USD. Ngoài VNPT còn có các đối tác quốc tế CHT, CMI, DHT, Meta (Facebook), KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC tham gia đầu tư.
Dung lượng thiết kế toàn hệ thống SJC2 là 126Tbps, trong đó VNPT sở hữu dung lượng 9Tbps, cho phép triển khai các ứng dụng kết nối internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao như: Internet vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo...
Khi tuyến SJC2 chính thức hoạt động, Quy Nhơn sẽ là "cửa ngõ cáp quang biển quốc tế" thứ ba sau Vũng Tàu và Đà Nẵng.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết tuyến cáp quang biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable) do Viettel tham gia đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác vào cuối năm nay, đầu năm 2024.
ADC là tuyến cáp biển thứ 5, có quy mô đầu tư lớn nhất cho đến nay của Viettel, trên cơ sở hợp tác với các tập đoàn viễn thông quốc tế lớn như: Singtel, China Telecom, SoftBank, China Unicom, NT, PLDT, TATA Communications.
Tuyến ADC có chiều dài cáp ngầm là 9.800km, dung lượng đạt trên 140Tbps, sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
ADC có tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD; trong đó Viettel sở hữu dung lượng 18Tbpsđáp ứng các ứng dụng yêu cầu tốc độ cao, đồng thời bảo đảm an toàn, dự phòng mạng lưới…
Hiện các nhà mạng trong nước đang khai thác 5 tuyến cáp quang biển: SMW-3, AAG, IA, APG, AAE-1. Tuy nhiên, chỉ còn tuyến SMW-3 hoạt động bảo đảm 100% dung lượng, 4 tuyến còn lại đang gặp sự cố chưa thể khắc phục ngay được (AAG và APG mất toàn bộ dung lượng; IA và AAE-1 còn 1 phần dung lượng đang hoạt động).
Trước sự cố này, ước tính dung lượng cáp quang biển kết nối internet trong nước đi quốc tế bị mất khoảng 75%.
Để khắc phục sự cố, các nhà mạng trong nước đã tăng cường mở kết nối hướng cáp quang trên đất liền, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật… Đến chiều tối 12/2, các đơn vị đã khôi phục được 50% dung lượng cáp quang biển đi quốc tế.
Về giải pháp lâu dài để bảo đảm an toàn Internet, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng cần mở rộng bổ sung 2-4 tuyến cáp quang biển quốc tế đến năm 2025, bảo đảm dự phòng trước các tình huống xảy ra.
Như vậy, việc sẽ có thêm 2 tuyến cáp có dung lượng thiết kế lớn sẽ kết nối Việt Nam đến các hub lớn tại Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản.../.