Việt Nam sẽ có đô thị di sản đầu tiên nếu Quốc hội thông qua thành lập TP Huế
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đưa TP Huế trở thành thành phố di sản và văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
Chiều 21-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết, dựa trên các cơ sở chính trị và pháp lý rõ ràng. ĐB nhấn mạnh việc xây dựng thành phố này phải đặt nền tảng trên việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, đồng thời duy trì bản sắc văn hóa Huế. ĐB Phạm Văn Hòa cũng đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TP Huế phát triển, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Trung ương trong giai đoạn đầu.
Theo ĐB, điều này sẽ tạo động lực để thành phố phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị di sản, góp phần đưa Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục, và khoa học công nghệ của khu vực và cả nước.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng ủng hộ việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương nhưng bày tỏ băn khoăn về tên gọi. ĐB cho rằng, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã có TP Huế, việc đặt tên tương tự sẽ dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, đề xuất đặt tên thành phố là "TP Thừa Thiên Huế" để phản ánh đầy đủ phạm vi toàn tỉnh.
Để tạo điều kiện có thêm động lực phát triển, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thì nhấn mạnh rằng, dù Thừa Thiên Huế có những bước phát triển trong thời gian qua, nhưng tiềm năng và lợi thế vẫn chưa được khai thác triệt để. Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ là cú hích quan trọng để địa phương phát triển nhanh và mạnh hơn.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý rằng việc phát triển TP Huế cần gắn liền với bảo tồn di sản cố đô và bản sắc văn hóa. Đồng thời, cần quan tâm đến đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, để đảm bảo sự hài hòa và bền vững trong quá trình phát triển.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đưa TP Huế trở thành thành phố di sản và văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển TP Huế phải gắn liền với bảo tồn di sản cố đô và bản sắc văn hóa. Đồng thời khẳng định, việc này không chỉ nhằm xây dựng một thành phố mạnh về văn hóa, mà còn tạo động lực phát triển cho cả khu vực và quốc gia.
Bộ trưởng cũng cho biết, đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đã được xây dựng dựa trên các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị và các quy định pháp luật, đảm bảo tính chặt chẽ và khoa học.
Sẽ có luật quy định về tổ chức chính quyền đô thị
Cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các quy định trong dự thảo được kế thừa từ mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, TP Đà Nẵng và bổ sung từ thực tiễn của TP Hải Phòng.
Liên quan đến ý kiến tăng thêm bộ máy Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hải Phòng, Bộ trưởng khẳng định rằng việc này cần thực hiện theo tinh thần tinh gọn bộ máy, nên không thể tăng quy mô tương ứng với HĐND TP Thủ Đức (TPHCM).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, hiện nay bộ đang tham mưu để tổng kết việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị để tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể, từ đó sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong đó có một chương riêng về mô hình Tổ chức chính quyền đô thị áp dụng chung cho cả nước. Trước hết là sơ kết mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM và TP Đà Nẵng.