Việt Nam sắp có Trung tâm xạ trị proton: Nâng chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư
Bộ Y tế đang triển khai đề án xây dựng Trung tâm xạ trị proton ở 3 bệnh viện lớn: Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy. Dự kiến, trung tâm sẽ được đầu tư xây dựng trong năm nay và phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030 nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh ung thư ngày càng cao của người dân.Đầu tư 3 trung tâm xạ trị ở 3 miềnTheo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 180.000 ca ung thư mới mắc, hơn 120.000 ca tử vong, trong đó khoảng 60% người bệnh ung thư có chỉ định xạ trị. Mặc dù số người mắc bệnh ung thư gia tăng nhưng mạng lưới cơ sở điều trị bệnh ung thư tại nước ta mới chỉ có 11 bệnh viện chuyên khoa ung bướu tại 9 tỉnh, thành phố; 23 trung tâm, viện ung bướu tại 13 tỉnh, thành phố; 78 khoa ung bướu tại 61 tỉnh, thành phố. 2 tỉnh chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước.
![Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị xạ trị cho người bệnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_454_51446154/d5cf62c5568bbfd5e69a.jpg)
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị xạ trị cho người bệnh.
Việt Nam cũng mới chỉ có 85 máy xạ trị gia tốc tuyến tính, đáp ứng 60%-70% nhu cầu cơ bản điều trị của người bệnh. Nhiều máy gia tốc đã hoạt động từ 10-15 năm và thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng tới công tác điều trị khiến cuộc chiến với ung thư của người bệnh thêm gian nan.
Các chuyên gia ung bướu nhận định, trong số các biện pháp điều trị ung thư thì xạ trị là phương pháp phổ biến nhất và rất quan trọng. Có khoảng 60% các phác đồ điều trị đa mô thức đối với bệnh ung thư có vai trò của xạ trị. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Việc xây dựng Trung tâm xạ trị proton tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng công tác điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam.
PGS-TS-BS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ngay từ sau tết, Bộ Y tế đã họp bàn với các đơn vị liên quan để gấp rút thực hiện đề án xây dựng Trung tâm xạ trị proton đặt tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Hiện đề án tổng thể đang được xây dựng, trong đó bao gồm 3 tiểu dự án của 3 bệnh viện (Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy) sẽ được đầu tư trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn trung hạn 2026-2030.
Các bệnh viện đã sẵn sàng
Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Giám đốc điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc cùng một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan) đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư. Hiện thế giới đang có 123 trung tâm xạ trị proton hoạt động, trong đó Mỹ có 43 trung tâm, châu Âu có 34, Nhật Bản có 26, Trung Quốc có 7, Nga có 5, Hàn Quốc có 2, Singapore có 2, Thái Lan có 2, Đài Loan (Trung Quốc) có 1.
“Việc đầu tư xây dựng các trung tâm điều trị ung thư chất lượng cao, được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến tầm khu vực và thế giới, đặc biệt là xạ trị proton, là vấn đề cấp bách nhằm thu hút người bệnh ung thư điều trị trong nước, họ không phải đi nước ngoài điều trị. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử một đội gồm hai kỹ sư và một bác sĩ đến trung tâm proton Ấn Độ học về kỹ thuật xạ trị này”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối và tổ chức giao ban theo dõi tiến độ xây dựng đề án 2 tuần/lần, yêu cầu các đơn vị có liên quan bổ sung căn cứ pháp lý xây dựng đề án; bổ sung tính cần thiết, trong đó làm rõ hậu quả ở trẻ em khi không có xạ trị proton, bổ sung bằng chứng về các quốc gia ưu tiên xạ trị proton cho trẻ em, tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế... Thời gian đầu sẽ triển khai từ 1 đến 3 máy, sau đó tiếp tục nhân rộng dựa trên kết quả thực tiễn
Thứ trưởng Bộ Y tế TRẦN VĂN THUẤN
Theo GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 800-900 lượt người bệnh xạ trị nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Để chuẩn bị xây dựng Trung tâm xạ trị proton ở miền Bắc, bệnh viện đang xúc tiến các công đoạn để sớm khởi công xây dựng cơ sở 4 ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội với quy mô khoảng 8,6ha; đặt Trung tâm xạ trị proton với những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới và khu sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ tại chỗ.
Trung tâm xạ trị proton của bệnh viện sẽ điều trị các ung thư thần kinh (đặc biệt ở trẻ em) và các ung thư phổi, tiền liệt tuyến. “Việc đầu tư xây dựng trung tâm điều trị ung thư chất lượng cao được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến thế giới nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư, người bệnh có thể hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại Việt Nam, không phải đi nước ngoài điều trị”, GS-TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh.
Tương tự, Bệnh viện Trung ương Huế cũng sẽ mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng, khởi công Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 với quy mô 300 tỷ đồng, xây dựng Trung tâm xạ trị Proton tại Việt Nam với quy mô 2.000 tỷ đồng.
Xạ trị Proton là kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất hiện nay. Kỹ thuật này cho phép đưa một liều tia xạ tối ưu chính xác vào khối u (kể cả những khối u có hình dạng phức tạp và nằm gần những cơ quan lành nhạy cảm với tia xạ), trong khi giảm tối đa liều tia xạ lên tổ chức lành xung quanh, giúp đưa liều tối đa tới khối u trong khi vẫn giữ được liều thấp cho tổ chức lành. Thời gian xạ trị ngắn, chỉ khoảng 15-45 phút cho một lần điều trị, không đau và không xâm nhập. Kỹ thuật này điều trị hiệu quả cho ít nhất 9 loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, mắt, não, đầu, cổ, phổi, thực quản, vú, gan và ung thư ở trẻ em.
(Theo sggp.org.vn)