Việt Nam – Nhật Bản thúc đẩy hợp tác về xây dựng

Sáng 19.12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức Hội nghị Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 về Xây dựng. Sự kiện diễn ra định kỳ hai năm một lần.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong hơn 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tháng 11.2023, Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Hiện, Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, với khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tính đến tháng 6.2024, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 5.369 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 76 tỷ USD, đứng thứ 3 trên tổng số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Riêng trong trong lĩnh vực xây dựng, từ năm 2010, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã ký kết nhiều Bản ghi nhớ hợp tác riêng trong lĩnh vực phát triển đô thị, thoát nước và xử lý nước thải, đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ, công nhân ngành xây dựng...

Đến năm 2015, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Akihiro Ohta, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã ký kết Biên bản hợp tác tổng thể 3 năm 2015 - 2018 về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật với các nội dung thúc đẩy hợp tác trong phát triển đô thị sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực ngành xây dựng, thoát nước và xử lý nước thải, dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, quản lý an toàn lao động, chất lượng công trình, nhà ở và thị trường bất động sản, quy hoạch đô thị...

“Bản hợp tác này đã được Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Kenichi Ishii ký kết, tiếp tục kéo dài 3 năm từ 2018 - 2021. Hiện, hai bên đang rà soát để tiếp tục ký kết gia hạn Biên bản trong năm 2025”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn thông tin.

 Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, chỗ ở là nhu cầu thiết yếu, quyền cơ bản của con người và đã được hiến định trong Hiến pháp. Thị trường bất động sản là một trong những thị trường có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua; hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao là điều kiện nền tảng, kiên quyết phải có đối với mỗi đô thị văn minh, đất nước phát triển.

Chính vì vậy, những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã luôn tập trung, quan tâm đến lĩnh vực xây dựng về phát triển nhà ở, thị trường bất động sản và hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao thông qua việc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật. Gần đây, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15.

Hiện, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp để hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước để trình Quốc hội xem xét thông qua, dự kiến vào cuối năm 2025. Đây là hai luật mới nhằm hệ thống hóa khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị đồng bộ, bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tổ chức triển khai thực hiện nhiều Chương trình phát triển nhà ở, Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; các chương trình phát triển hạ tầng khung chất lượng (như đường cao tốc Bắc-Nam; đường sắt cao tốc 300km/h...)…

Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản của người dân; thị trường bất động sản phát triển theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế, bất cập trong việc xây dựng hệ thống thể chế, quy định pháp lý quản lý nhà nước đồng bộ, huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở, tập trung nhà ở xã hội; phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật hiện đại...

“Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ về hệ thống pháp luật của Việt Nam trong phát triển, quản lý nhà ở xã hội và thị trường bất động sản; hệ thống quản lý nhà chung cư cao cấp tại Nhật Bản cùng những sáng kiến của nước này về cải cách phong cách làm việc và tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài trong ngành xây dựng; tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước…

Các đại biểu tin tưởng, thông qua hội nghị sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng; là một trong những hoạt động thiết thực góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện, chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng cho châu Á và trên thế giới giữa hai nước nói chung và giữa hai bộ nói riêng.

Đ. Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-nhat-ban-thuc-day-hop-tac-ve-xay-dung-post399748.html
Zalo