Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý tin đồn trứng giả gây hoang mang
Trước tình trạng tin đồn thất thiệt về trứng giả gây ảnh hưởng đến sự phát triển ngành gia cầm, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) - yêu cầu Cục Chăn nuôi và Thú y có văn bản gửi Bộ Công an điều tra, xử lý những thông tin không chính xác trên mạng xã hội về trứng giả.
Ngày 22/5, Hiệp hội gia cầm Việt Nam phối hợp cùng với Bộ NN&MT tổ chức "Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững".
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam - cho biết, Việt Nam hiện thuộc nhóm 10 quốc gia có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, trong đó riêng đàn thủy cầm đứng thứ hai toàn cầu. Tổng sản lượng thịt gia cầm năm 2024 đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng trưởng trung bình 6,9% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2024. Bên cạnh đó, nước ta mỗi năm xuất khẩu khoảng 5,8-6,1 triệu con giống và 4.600 - 5.100 tấn thịt gia cầm.

Tin đồn thất thiệt về trứng giả gây ảnh hưởng đến sự phát triển ngành gia cầm. Ảnh minh họa: IT.
Tuy nhiên, ngành gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Sự tăng trưởng của ngành, có xu hướng giảm dần, thậm chí ngành hàng này bắt đầu rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Bên cạnh khủng hoảng về giá, thị trường, về mô hình phát triển. Ngành gia cầm vấp phải khủng hoảng không đáng có về niềm tin của người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật về "trứng gà giả", "trứng gà 2 lòng đỏ". Điều này gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm trong nước.
Theo ông Sơn, để sản xuất một số quả trứng nhân tạo, một số quốc gia trên thế giới đã từng làm thử như sử dụng từ nguyên liệu đậu tương nhưng hiệu quả kinh tế, dinh dưỡng không cao, đắt hơn trứng thật bán ra thị trường.
Những hình ảnh về trứng gà giả đang lan truyền trên mạng xã hội, theo ông Sơn chủ yếu là bơm lòng đỏ, lòng trắng vào vỏ trứng thật để dàn dựng, câu view.
Vì thế, Hiệp hội gia cầm Việt Nam đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công an và các cơ quan liên quan đề nghị phối hợp, điều tra, có biện pháp xử lý thích đáng theo quy định pháp luật.
"Cơ quan chức năng cần sớm có văn bản chính thức để xác nhận rằng ở Việt Nam chưa có chuyện làm trứng giả, ngăn chặn tin đồn thất thiệt ảnh hưởng tới ngành hàng" - ông Sơn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&MT - đề nghị Cục Chăn nuôi và Thú y có văn bản gửi Bộ Công an điều tra, xử lý những thông tin trên mạng xã hội về trứng giả; tăng cường phối hợp với lực lượng công an để kiểm soát tốt buôn lậu gia cầm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) chủ trì Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững.
Theo ông Tiến, ngành chăn nuôi gia cầm đang bước vào giai đoạn mới với mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2025, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4-5% so với năm 2024; tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp đạt 28-30%. Riêng thịt gia cầm sẽ chiếm 27% tổng sản lượng thịt, sản lượng trứng đạt 16-17 tỷ quả. Đến năm 2030, mục tiêu nâng sản lượng trứng lên 22-23 tỷ quả và xuất khẩu 20-25% tổng sản lượng thịt và trứng gia cầm.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi tập trung phát triển theo hướng hiện đại, công nghệ cao tại các doanh nghiệp và trang trại lớn. Song song, cần khuyến khích cải tiến chăn nuôi truyền thống theo hướng hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, gắn với phúc lợi động vật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
“Ngành chăn nuôi phải thay đổi tư duy. Công nghệ là mũi nhọn. Muốn cạnh tranh thì từ con giống đến quy trình giết mổ, chế biến, tất cả phải dựa trên khoa học và đổi mới sáng tạo. Cần tạo chuyển biến rõ rệt trong kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ và bảo đảm an toàn thực phẩm,” Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị đẩy mạnh xây dựng cơ sở chăn nuôi xa khu dân cư, bảo đảm an toàn sinh học, xử lý môi trường tốt, kiểm soát dịch bệnh như cúm gia cầm, Newcastle... Cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp thực tiễn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người chăn nuôi.