Việt Nam nêu 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 (14 - 17/4) tại Hà Nội, với chủ đề 'Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm' đã diễn ra thành công tốt đẹp, thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy toàn diện chuyển đổi xanh, tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu khai mạc triển lãm tăng trưởng xanh tại Hà Nội, sáng 16/4/2025. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu khai mạc triển lãm tăng trưởng xanh tại Hà Nội, sáng 16/4/2025. Ảnh: TTXVN

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược

Chỉ còn 5 năm để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng nhiều mục tiêu còn chậm tiến độ, thậm chí bị đảo ngược. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thiên tai diễn biến phức tạp, chuyển đổi xanh, lấy con người làm trung tâm trở thành con đường thiết yếu. Tuy nhiên, những bất định của tình hình thế giới có thể tạo ra nhiều thách thức lớn, đặc biệt với các nước đang phát triển và các nhóm yếu thế trong xã hội.

Thông qua 2 tuyên bố tại P4G 2025

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo P4G đã đồng thuận thông qua 2 tuyên bố: Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa P4G và các tổ chức, cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Tại hội nghị, Việt Nam đã nêu lên 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững bao gồm: kiến tạo thể chế xanh bao trùm, công bằng, lấy thị trường làm trung tâm điều tiết và phân bổ nguồn lực là nền tảng; kiến tạo năng lực kinh tế xanh; kiến tạo khuôn khổ hợp tác quốc tế xanh và liên kết đa ngành, đa chủ thể.

Để thực hiện “3 kiến tạo” nêu trên, hợp tác P4G sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, mở đường cho quá trình thử nghiệm các chính sách mới, các phương thức kết nối nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư, sự hỗ trợ từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh. Với vai trò là nền tảng thúc đẩy hợp tác công tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội, P4G cần tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển các giải pháp giảm thiểu tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Gửi thông điệp từ vai trò là nước chủ nhà, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược hay trì hoãn. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi cách tiếp cận “toàn cầu, toàn dân, toàn diện” và vai trò của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Mọi nỗ lực chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cần gắn với con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, không hy sinh tiến bộ xã hội và môi trường để đánh đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Tại hội nghị, các ý kiến của cộng đồng quốc tế nhấn mạnh rằng, cần chung tay, nỗ lực mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết chuyển đổi xanh bền vững. Các nước phát triển cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, giúp các nước đang và kém phát triển chuyển đổi xanh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững; bảo đảm sinh kế cho người dân. Đồng thời khẳng định, các mô hình hợp tác, đối tác công tư (PPP), hợp tác 3 bên, Nam - Nam, Bắc - Nam cần được thúc đẩy để tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Cùng với đó, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thực sự là chìa khóa cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

5 đồng thuận tại P4G

Phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hội nghị đã thành công tốt đẹp, góp phần phát huy vai trò của hợp tác đa phương trong thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đồng thời cho biết 5 kết quả đồng thuận mà P4G 2025 đã đạt được.

Thứ nhất, đồng thuận về huy động tài chính thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, các mô hình hợp tác công - tư và các chính sách tài chính sáng tạo.

Thứ hai, đồng thuận về khuyến khích nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ xanh, đầu tư nhiều hơn cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết.

Việt Nam đặt mình vào dòng chảy của thế giới

Phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị thượng đỉnh P4G, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Việt Nam chủ trương đặt mình vào dòng chảy của thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Đồng thời, sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó, thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt.

Thứ ba, đồng thuận về chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, vừa đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thứ tư, đồng thuận về phát triển và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện để mọi cá nhân có quyền tiếp cận giáo dục đầy đủ, mở rộng cơ hội việc làm và giảm bất bình đẳng xã hội.

Thứ năm, đồng thuận về chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, thân thiện với môi trường; tăng cường hợp tác trong phát triển và chia sẻ công nghệ, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc chuyển đổi năng lượng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tổng hòa của 5 đồng thuận trên cho thấy sự đồng thuận về tư duy, nhận thức, chia sẻ trách nhiệm chung, đoàn kết, đề cao hợp tác đa phương để cùng hàng động, cùng chiến thắng.

“Tôi trân trọng đề nghị và kêu gọi các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các thành viên P4G. Hãy cùng nhau chung tay, đóng góp trách nhiệm vì tương lai xanh của thế giới; biến cam kết thành hành động, biến ý tưởng thành các dự án cụ thể, biến đồng thuận thành quyết tâm triển khai mạnh mẽ, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt mọi khó khăn, thách thức; cùng nhau, chúng ta sẽ biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; cùng nhau xây dựng một thế giới ngày càng xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn và tốt lành hơn” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

ÔNG THOMAS JACOBS - GIÁM ĐỐC QUỐC GIA IFC TẠI VIỆT NAM, CAMPUCHIA VÀ LÀO: Thúc đẩy các công cụ tài chính sáng tạo

Để việc huy động tài chính cho khí hậu tốt hơn có 3 giải pháp không chỉ là Việt Nam mà các quốc gia khác thế giới cũng có thể cân nhắc.

Thứ nhất, Chính phủ nên ưu tiên các quy định rõ ràng. Trong một không gian tài chính khí hậu mới nổi cần phải có những hướng dẫn, chẳng hạn phân loại trái phiếu xanh là cần thiết. Thứ hai, các ngân hàng phải nâng cao năng lực trong việc cung cấp tài chính khí hậu bao gồm xây dựng nâng cao năng lực chuyên môn để đánh giá các dự án xanh, thiết kế các sản phẩm sáng tạo cho thị trường. Điều này có nghĩa là tích hợp các tiêu chuẩn mạnh mẽ về môi trường, xã hội và quản trị vào các hoạt động cho vay và điều chỉnh các khuôn khổ tài chính bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ 3, cần phải giảm sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng bằng cách củng cố thị trường vốn và tận dụng các cân cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lam, huy động vốn theo quy mô nhỏ.

Nền kinh tế xanh không chỉ là rủi ro cần được giảm thiểu mà còn là cơ hội cần nắm bắt. Nghiên cứu gần đây đây của IFC chỉ ra tiềm năng đầu tư tới 90 tỷ USD với nền kinh tế xanh ở một số thị trường mới nổi được chọn ra (bao gồm cả Việt Nam) thậm chí sẽ có thêm cơ hội nữa lớn hơn trong phạm vi rộng hơn của các tài sản liên quan đến khí hậu và tính biển vững. Thảo Miên (ghi)

ÔNG SHANTANU CHAKRABORTY - GIÁM ĐỐC QUỐC GIA VIỆT NAM, NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB): Huy động nguồn lực ở cả khu vực công và tư

Chuyển đổi xanh đòi hỏi một lượng vốn rất lớn nhưng là quá trình chuyển đổi mang tính bền vững, tập trung vào con người. Nhu cầu cho các quốc gia cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiệt độ gia tăng hàng năm là rất lớn, nhưng chúng ta thiếu rất nhiều vốn. Vì vậy, bài toán đặt ra là cần làm thế nào thúc đẩy được lượng vốn ở cả khu vực công, khu vực tư nhân kể cả về thời gian và quy mô một cách hiệu quả.

Để làm được điều này, các nước cần tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như sau: Đầu tiên là xác định mục tiêu kết nối tăng trưởng xanh vào chiến lược cấp trung ương và địa phương, có các dự án khả thi về vốn như là điều kiện tiên quyết để thu hút nguồn lực và tận dụng nó để phát triển những tài sản đầu tư biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Điều này đòi hỏi cần nâng cao năng lực ở nhiều cấp độ khác nhau với sự tham gia của rất nhiều bên cũng như cộng đồng.

Cùng với đó, điều quan trọng nữa là nguồn lực toàn cầu, kể cả khu vực công và khu vực tư nhân cũng cần được huy động để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc triển khai những dự án có chất lượng.

Như vậy, cần phải có mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các bên liên quan khu vực công và khu vực tư nhân, Chính phủ các nước đang phát triển cũng như sự kết nối với cộng đồng địa phương một cách chặt chẽ để thúc đẩy công nghệ xanh và nguồn lực về con người chuẩn bị một cách sẵn sàng cho tăng trưởng xanh và bao trùm. Luyện Vũ (ghi)

Luyện Vũ

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-neu-3-kien-tao-de-chuyen-doi-xanh-ben-vung-174826.html
Zalo