Việt Nam mở cửa cho thịt bò Brazil, Brazil dỡ lệnh cấm cá rô phi
Thông tin trên được hai bên nhất trí nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil, nhân chuyến thăm của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đến Việt Nam từ ngày 27-29/3, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.
Tuyên bố chung khẳng định, hai bên hoan nghênh việc ký Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2025-2030, bao gồm 6 trụ cột chính: Chính trị, quốc phòng, an ninh và thách thức toàn cầu; Kinh tế - thương mại và đầu tư; Khoa học - công nghệ và sáng tạo; Biến đổi khí hậu và môi trường; Giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và ngoại giao nhân dân; Lãnh sự và hỗ trợ cộng đồng.

Tổng thống Lula da Silva hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm. Ảnh: Nhật Minh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Brasil đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường, hội kiến với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Hai nhà lãnh đạo đã đánh giá cao và chứng kiến lễ ký và trao các văn kiện hợp tác khác gồm: Hiệp định Trao đổi thông tin mật, Hiệp định về việc làm có thu nhập cho thân nhân cán bộ ngoại giao, Biên bản ghi nhớ về thành lập Tổ Công tác thúc đẩy Hợp tác Thương mại và Công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil.
Việt Nam và Brazil nhất trí sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục đàm phán, ký kết trong thời gian tới các thỏa thuận về tạo thuận lợi đầu tư, hợp tác tư pháp, pháp lý và an ninh mạng trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF).
Mục tiêu trao đổi thương mại song phương lên 15 tỷ USD
Ghi nhận hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của hợp tác song phương, thừa nhận còn nhiều tiềm năng để khai thác phát triển hơn nữa, hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu đưa trao đổi thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2030.

Chủ tịch nước Lương Cường chụp ảnh chung với Tổng thống Brazil Lula da Silva trước cuộc hội đàm. Ảnh: Nhật Minh.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa giao thương giữa Việt Nam và Brazil. Về vấn đề này, hai bên đánh giá cao cơ hội kinh doanh rất lớn trong lĩnh vực đạm động vật và máy bay.
Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva bày tỏ cảm ơn quyết định của Chính phủ Việt Nam mở cửa thị trường cho thịt bò của Brazil. Tổng thống Lula da Silva thông báo quyết định của Brazil dỡ bỏ lệnh cấm về cá rô-phi và mở cửa thị trường Brazil cho một số loại tôm, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Về cá tra và ba-sa, Chính phủ Brazil cam kết tiến hành đánh giá kỹ thuật trong thời gian sớm nhất. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh các cơ hội hợp tác về ngành công nghiệp máy bay dân sự và quân sự; khuyến khích EMBRAER và các đối tác Việt Nam tiếp tục hợp tác về mua sắm máy bay và đầu tư. Hai nhà lãnh đạo đồng ý giao các Bộ trưởng theo sát để đạt được kết quả sớm trong các chủ đề này.
Cân nhắc những tiến bộ của Việt Nam về đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, và trên cơ sở quan tâm của cả hai bên về việc tăng cường hợp tác kinh tế, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva công bố quyết định của Brazil công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự quan tâm của hai nước trong việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), trong đó Brazil là thành viên. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Mercosur vào nửa cuối năm 2025, Brazil sẵn sàng thảo luận về một khuôn khổ cân bằng và cùng có lợi cho mục tiêu trên, phù hợp với chính sách kinh tế của các bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Brazil. Ảnh: TTXVN.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tiềm năng hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Brazil, tầm quan trọng của việc mở rộng mối quan hệ đối tác trong việc nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì đối thoại về năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo và các sáng kiến khác có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia.
Tái khẳng định nhiều cam kết
Chủ tịch nước Lương Cường chúc mừng Brazil về kết quả thành công đạt được của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 tại Rio de Jainero vào tháng 11 năm 2024; tái khẳng định ủng hộ các sáng kiến của Brazil trong khuôn khổ Liên minh chống đói nghèo-mà Brazil là thành viên sáng lập, cam kết cùng nỗ lực để xóa đói phù hợp với mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đánh giá cao các ưu tiên của Brasil về y tế, thương mại, đầu tư và tài chính, biến đổi khí hậu, quản trị trí tuệ nhân tạo, cải cách hệ thống hòa bình và an ninh đa phương và sự phát triển thế chế BRICS trong nhiệm kỳ Brazil làm Chủ tịch luân phiên Nhóm BRICS.
Brazil đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững thể hiện qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư vào tháng 4/2025.

Tổng thống Brazil Lula da Silva hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Phạm Thắng.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết quốc gia đối với chủ nghĩa đa phương, tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), luật pháp quốc tế và độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các Nhà nước.
Việt Nam và Brazil nhấn mạnh giá trị của đối thoại và hợp tác trong các cơ chế khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đồng thời cam kết tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của Asean trong các vấn đề khu vực và nhất trí tìm kiếm hình thức tăng cường hợp tác giữa Đông Nam Á và Nam Mỹ cũng như giữa các tổ chức khu vực liên quan như Asean và MERCOSUR. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc tăng cường hơn nữa hợp tác Nam-Nam.
Hai nhà lãnh đạo nhắc lại nhu cầu cấp bách về việc cải tổ quản trị toàn cầu nhằm thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn của các quốc gia đang phát triển trong các cơ quan có tính quyết định, giúp các quốc gia này hòa nhập tốt hơn với thực tế địa chính trị hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập LHQ vào năm 2025, hai bên ủng hộ rà soát toàn diện Hiến chương LHQ, nhằm trang bị các công cụ cần thiết để đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng của thế kỷ 21.
Lãnh đạo Việt Nam và Brazil nhấn mạnh tính cấp bách của việc cải cách Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm việc mở rộng số lượng ủy viên thường trực và không thường trực để tăng cường sự hiện diện của các nước đang phát triển từ các khu vực không có đại diện hoặc có ít đại diện như châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ Latin, để Hội đồng Bảo an có tính đại diện, hợp pháp và hiệu quả cao hơn.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Tổng thống Lula da Silva thăm Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh.
Chủ tịch nước Lương Cường tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nguyện vọng có một ghế thường trực của Brazil tại Hội đồng Bảo an sau khi được cải cách. Tổng thống Lula da Silva cảm ơn Chủ tịch nước Lương Cường vì sự ủng hộ liên tục của Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sự cam kết đối với Công ước LHQ năm 1982 (UNCLOS 1982), là công cụ quốc tế tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động hàng hải ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp trong quan hệ quốc tế bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982.
Hai bên tái khẳng định cam kết của mình đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và nhất trí cần nỗ lực hợp tác trong việc theo đuổi các mục tiêu và mục đích dài hạn của Thỏa thuận Paris. Việt Nam đánh giá cao Brazil về quyết định đăng cai Hội nghị LHQ về biến đối khí hậu năm 2025 (COP30) tại Belém.
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Lula da Silva hoan nghênh việc Đại hội đồng LHQ thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng bằng đồng thuận. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đánh giá cao Việt Nam quyết định đăng cai Lễ ký Công ước trên trong năm 2025 tại Hà Nội.