Biết gì về nước sạch Sông Đà báo lỗ hơn 92 tỷ?
Tính đến cuối năm 2024, cổ đông lớn của nước sạch Sông Đà gồm Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex (62,46% cổ phần), Công ty TNHH Nước sạch REE (35,95%).
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) công bố báo cáo tài chính năm 2024 đã kiểm toán.
Theo báo cáo, doanh thu bán hàng của Viwasupco năm ngoái đạt 594 tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm 2023. Dù vậy, giá vốn lại tăng tới 15%, nên lợi nhuận gộp chỉ được 143 tỷ đồng, giảm 21%.
Chi phí lãi vay của nước sạch Sông Đà tăng mạnh, tốn 154 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 104 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi, mất gần 81 tỷ đồng.
Kết quả, nước sạch Sông Đà báo lỗ 92,6 tỷ đồng, trong khi năm 2023 vẫn lãi hơn 34 tỷ đồng. Đây cũng năm đầu tiên báo lỗ của doanh nghiệp này kể từ năm 2011 đến nay.

Ảnh minh họa.
Theo tìm hiểu tiền thân của nước sạch Sông Đà là Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex, được thành lập từ năm 2009. Tính đến cuối năm 2024, cổ đông lớn của nước sạch Sông Đà gồm: Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex (62,46% cổ phần), Công ty TNHH Nước sạch REE (35,95%).
Nước sạch Sông Đà đang cấp nước cho toàn bộ phía Tây nam Hà Nội, gồm các quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam - Bắc Từ Liêm, một số quận nội thành Hà Nội và một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị "Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông".
Trước đó, ngày 28/3, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về phê duyệt giá bán nước sạch sinh hoạt của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, áp dụng tại Hà Nội. Theo đó, Hà Nội phê duyệt giá bán nước sạch sinh hoạt của nước sạch Sông Đà năm 2025 là 7.767 đồng/m³ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Giá bán buôn của nước sạch Sông Đà hiện là 5069 đồng/m3, được áp dụng từ 2014.
Việc tăng giá này là giá bán buôn, còn giá bán lẻ nước sinh hoạt với người dân chưa tăng. Giá nước sinh hoạt bán lẻ cho người dân được điều chỉnh theo lộ trình của TP Hà Nội.