Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong cam kết giảm phát thải và chuyển dịch năng lượng

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu 10 đề xuất quan trọng với lãnh đạo cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, môi trường, nông nghiệp và hệ thống lương thực- thực phẩm. Bên cạnh đó đề nghị Liên hợp quốc thúc đẩy Nhóm Đối tác quốc tế xem xét và hỗ trợ đầu tư cho 8 đề xuất dự án thuộc các lĩnh vực năng lượng và vật liệu xây dựng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại buổi tiếp Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed bên lề Hội nghị P4G chiều 16/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã nêu 10 đề xuất quan trọng với lãnh đạo cấp cao Liên hợp quốc, trong đó có 5 vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường, 5 vấn đề về nông nghiệp và hệ thống lương thực- thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong giai đoạn này, Bộ đang chủ trì xây dựng bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phiên bản 3.0. Dự thảo đầu tiên của NDC 3.0 dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tháng 6/2025 và gửi tới Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) trước thềm Hội nghị COP30 diễn ra vào tháng 11/2025.

Do đó, Việt Nam mong muốn Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ triển khai các cam kết tại COP26 cũng như thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp song phương với Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp song phương với Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed.

Liên quan đến triển khai Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), tháng 3 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Năng lượng (sửa đổi), cùng với nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn được Chính phủ ban hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư phát triển năng lượng, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin.

Việt Nam đề nghị Liên hợp quốc thúc đẩy Nhóm Đối tác quốc tế xem xét và hỗ trợ đầu tư cho 8 đề xuất dự án thuộc các lĩnh vực năng lượng và vật liệu xây dựng.

Về bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ trưởng đánh giá cao sự đồng hành của Liên hợp quốc, đặc biệt là Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc UNDP, trong thời gian qua. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu các phương pháp luận, áp dụng các giải pháp thuận thiên; thúc đẩy cách tiếp cận hệ sinh thái gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.

Việt Nam đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo định hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Việt Nam mong muốn trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm của khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò tiên phong trong phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và bền vững.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường khẳng định, các tổ chức kỹ thuật của Liên hợp quốc luôn là những đối tác kỹ thuật quan trọng, đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam trong suốt quá trình chuyển đổi.

Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Liên hợp quốc, tiêu biểu như Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc thông qua Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” trong lĩnh vực thủy sản; hay Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) với các hoạt động chuyển đổi hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Một sức khỏe”.

Từ nền tảng hợp tác hiện có, Việt Nam đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo định hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Việt Nam mong muốn trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm của khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò tiên phong trong phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và bền vững.

Bộ trưởng cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, ít phát thải, nhân rộng mô hình hợp tác công - tư, đồng thời minh bạch hóa thị trường và hoạt động thương mại nông sản.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Tổng Thư ký Amina Mohammed đánh giá cao vai trò ngày càng chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. “Vào thời điểm đặc biệt này, chủ đề tăng trưởng xanh mang ý nghĩa hết sức thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị trình NDC cập nhật lên Hội nghị COP30”, Phó Tổng Thư ký Amina Mohammed nhấn mạnh.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu với các cam kết mạnh mẽ trong giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch năng lượng công bằng. Với vai trò tiên phong đó, Việt Nam có nhiều bài học quý báu cần được chia sẻ với cộng đồng quốc tế.

Bà Amina Mohammed tin tưởng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, những cơ hội đầu tư cho tăng trưởng bền vững sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-la-mot-trong-nhung-nuoc-tien-phong-trong-cam-ket-giam-phat-thai-va-chuyen-dich-nang-luong.htm
Zalo