Những giá trị trường tồn của tư tưởng Lê-nin
Nhân kỷ niệm 155 năm Ngày sinh của V. I. Lê-nin – nhà lãnh đạo vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhà lý luận xuất sắc của chủ nghĩa Marx – di sản tư tưởng của ông vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng, định hướng cho các phong trào cách mạng và tiến bộ trên toàn thế giới. Tư tưởng của Lê-nin không chỉ là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh giai cấp ở thế kỷ XX mà còn mang những giá trị trường tồn, có ý nghĩa sâu sắc trong việc giải quyết nhiều vấn đề trong bối cảnh hiện đại.
V.I. Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-2025) - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.
Nguồn động lực mạnh mẽ
Một trong những giá trị trường tồn nhất của tư tưởng Lê-nin là tinh thần cách mạng không khoan nhượng. Ông tin rằng, để thay đổi một xã hội bất công, cần có ý chí kiên định, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Trong tác phẩm Làm gì? (xuất bản năm 1902), Lê-nin nhấn mạnh rằng cách mạng không thể thành công nếu thiếu sự tổ chức chặt chẽ và ý thức chính trị cao của quần chúng. Tinh thần này đã dẫn dắt Cách mạng Tháng Mười Nga đi đến thắng lợi, biến một nước Nga lạc hậu thành ngọn cờ đầu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

V.I. Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-2025) - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III)
Trong bối cảnh hiện nay, với nhiều thách thức như bất bình đẳng kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, “bẫy thu nhập trung bình”…, tinh thần cách mạng của Lê-nin vẫn là nguồn động lực mạnh mẽ, vẹn nguyên giá trị thời đại. Với Việt Nam, sự đổi mới và tiến bộ đòi hỏi phải có sự kiên trì, quyết tâm và đoàn kết. Tinh thần này được thể hiện rõ trong các nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sắp xếp và tinh gọn bộ máy… mà Đảng ta đã và đang quyết liệt chỉ đạo, khẩn trương thực hiện.
Vai trò của đảng cách mạng tiên phong
Lê-nin là người đặt nền móng lý luận về vai trò của Đảng Cộng sản như một tổ chức tiên phong, dẫn dắt quần chúng đi đến thắng lợi. Ông nhấn mạnh, đảng không chỉ là tập hợp những người có cùng chí hướng mà phải là một lực lượng đoàn kết, có kỷ luật và gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong Làm gì?, Lê-nin khẳng định, để cách mạng thành công, cần có một đội ngũ tiên phong đủ năng lực tổ chức và lãnh đạo quần chúng; đồng thời nhấn mạnh vai trò của tổ chức, lý luận và ý thức chính trị của chính đảng trong việc dẫn dắt giai cấp vô sản đi tới thắng lợi cách mạng.
Ở nước ta, tư tưởng của Lê-nin về vai trò của đảng cách mạng tiên phong đã được kế thừa và phát triển, thể hiện qua sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Để tiếp tục phát huy giá trị, đảng cần không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, giữ vững mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Các chiến dịch như phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cải cách hành chính, hay việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là minh chứng cho việc áp dụng tư tưởng Lê-nin vào thực tiễn. Giá trị trường tồn của tư tưởng chính là nhấn mạnh sự cần thiết của một chính đảng lãnh đạo mạnh mẽ, đồng thời phải liên hệ mật thiết và phục vụ lợi ích của nhân dân.
Tầm nhìn về công bằng xã hội và giải phóng con người
Lênin không chỉ đấu tranh cho giai cấp vô sản mà còn hướng tới mục tiêu cao cả hơn: giải phóng toàn thể nhân loại khỏi áp bức và bất công. Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, ông phân tích, nhà nước vô sản là công cụ tạm thời để xây dựng chủ nghĩa cộng sản, tức là một xã hội không còn giai cấp, nơi mọi người đều được hưởng quyền tự do và bình đẳng thực sự. Tư tưởng này thể hiện khát vọng sâu sắc của Lê-nin về một thế giới công bằng, nơi con người không bị bóc lột bởi con người.
Ở Việt Nam, tư tưởng của Lê-nin về công bằng xã hội được thể hiện qua các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế cho mọi tầng lớp nhân dân. Các chương trình hỗ trợ người dân vùng sâu vùng xa, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho trẻ em nghèo hay xây dựng hệ thống y tế công bằng… là những minh chứng cụ thể. Trong tương lai, để tiếp tục phát huy giá trị này, Việt Nam cần tập trung vào việc giảm khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, xây dựng một xã hội nhân văn, nơi mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển toàn diện.
Linh hoạt trong chiến lược phát triển
Lê-nin không chỉ là nhà lý luận mà còn là nhà chiến lược thực tiễn. Chính sách kinh tế mới (NEP) là một ví dụ điển hình cho sự linh hoạt của ông trong việc áp dụng chủ nghĩa Marx vào hoàn cảnh cụ thể. Nhận thấy nước Nga sau nội chiến không thể ngay lập tức tiến lên chủ nghĩa xã hội, Lê-nin đã cho phép tồn tại một số yếu tố của kinh tế thị trường dưới sự kiểm soát của nhà nước, nhằm khôi phục sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Giá trị trường tồn của tư tưởng này là khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề thực tiễn. Việt Nam đã học hỏi bài học này khi thực hiện công cuộc Đổi mới từ năm 1986, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức mới, tư tưởng của Lê-nin như nhắc nhở chúng ta cần tiếp tục đổi mới mô hình phát triển, ưu tiên các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng tái tạo và kinh tế số. Đồng thời, cần đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế không làm mất đi bản chất xã hội chủ nghĩa, mà phải phục vụ lợi ích của đại đa số nhân dân.
Hiện nay, tư tưởng của Lê-nin vẫn là ngọn đèn soi sáng cho các phong trào tiến bộ trên thế giới. Những giá trị trường tồn trong tư tưởng của ông không chỉ mang ý nghĩa lý luận mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc. Đối với Việt Nam, việc kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Lê-nin giúp đất nước vượt qua thách thức, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vươn xa trên trường quốc tế. Di sản của Lê-nin là minh chứng cho sức mạnh của lý tưởng và hành động, là kim chỉ nam để nhân loại hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.