Việt Nam là mảnh đất của 'rồng bay lên' - đất nước của những cơ hội

Hà Lan đã là một trong những tâm điểm của thời sự những ngày qua tại Hà Nội với chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte. Rất nhiều hy vọng về sự hợp tác kinh tế khi tháp tùng ông là gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu, để hiện thực hóa các cơ hội.

"Mảnh đất của ‘rồng bay lên’ - đất nước của những cơ hội" là mô tả của Thủ tướng Mark Rutte khi ông dự phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội. Ông đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác để tận dụng mọi cơ hội mới và cùng trở thành "rồng xanh".

Trước đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Hà Lan, mô tả mối quan hệ hai nước là "chân thành, tin cậy, năng động, hiệu quả và thiết thực", khẳng định sự quyết tâm chung cùng hợp tác, phát triển tự cường và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Hà Lan như công nghệ cao, cảng biển, hạ tầng chiến lược.

Thủ tướng Hà Lan tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Thủ tướng Hà Lan tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Là nhà đầu tư lớn nhất tới từ Liên minh châu Âu, tính đến hết tháng 9/2023, Hà Lan có 431 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 14,2 tỷ USD, xếp thứ 7/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn Hà Lan hoạt động rất hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Foremost, Akzo Nobel Coating, Philips...

Nhiều năm qua tại Việt Nam, thương hiệu của các doanh nghiệp lớn Hà Lan đã trải dài sự quen thuộc tới người tiêu dùng, từ đồ uống hàng tiêu dùng, sơn, nông nghiệp... với những nhãn hiệu quen thuộc như Heineken, Tiger, OMO, P/S, Clear, Dutch Lady, Friso, Dulux…

Heineken dự kiến rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam

Được thành lập vào năm 1991, liên doanh Heineken - Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối bia tại Việt Nam.

Liên doanh này vận hành 6 nhà máy ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM, Tiền Giang, Vũng Tàu với hơn 3.000 nhân viên trực tiếp và tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi.

Trong đó, nhà máy Heineken Vũng Tàu có diện tích 40ha, với công suất mỗi năm 1,1 tỷ lít bia là nhà máy bia lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhà máy có vốn đầu tư gần 400 triệu USD (tương đương 9.000 tỷ đồng).

Doanh thu tại Việt Nam của Heineken tăng trưởng đều đặn 20% mỗi năm và vẫn tăng nhẹ ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, lợi nhuận của công ty đạt hơn 55.700 tỷ đồng, lãi ròng 8.868 tỷ đồng.

Với mức biên lợi nhuận duy trì trên mức 53%, Heineken Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều cho ngân sách Nhà nước trong nhiều năm liền.

Sau hơn 30 năm đầu tư, Heineken chiếm thị phần đáng nể tại Việt Nam. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, năm 2019, Heineken chiếm gần 40% thị phần thị trường bia Việt Nam trong khi Sabeco, giờ đã về tay người Thái, chiếm xấp xỉ 34%.

Giai đoạn 2020 - 2021, hãng bia này chiếm 44,4% thị phần, vượt Sabeco và bỏ xa những hãng bia còn lại như Carlsberg, Habeco, Sapporo...

Trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến công tác của Thủ tướng tới Hà Lan vào tháng 12/2022, Tổng Giám đốc Heineken toàn cầu Dolf van den Brink cho biết, tổng giá trị các khoản đầu tư của Heineken tại Việt Nam đã đạt 1 tỷ USD. Dự kiến, trong 10 năm tới tập đoàn này sẽ đầu tư tiếp khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam.

Heineken cũng là một trong những doanh nghiệp đưa ra tuyên bố về sự tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Đến nay, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ vào toàn bộ chuỗi giá trị và sử dụng các giải pháp tự động hóa, mô hình không phát thải carbon tại cả 6 nhà máy trải dài khắp Việt Nam.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 12 của Unilever

Là tập đoàn đa quốc gia khởi thủy từ sự kết hợp giữa hai công ty của Anh và Hà Lan, Unilever có cả trụ sở ở London và Rotterdam. Unilever vào Việt Nam từ năm 1995, với vốn đầu tư ban đầu là 300 triệu, tới nay Unilever đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây 5 nhà máy tại Hà Nội, Củ Chi, Thủ Đức và KCN Biên Hòa.

Hệ thống phân phối sản phẩm của Unilever đã trải dài trên toàn quốc với hơn hơn 300.000 cửa hàng bán lẻ và hơn 150 nhà phân phối lớn. Theo ước tính của Unilever Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 35 triệu sản phẩm của công ty được sử dụng tại Việt Nam, với những nhãn hiệu quen thuộc như OMO, P/S, Clear, Pond’s, Knorr…

Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 12 của Unilever, với tiềm năng to lớn nhờ nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Doanh thu của Unilever năm 2022 tại Việt Nam đã vượt qua mốc 1 tỷ euro và tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng hai con số với khối lượng sản phẩm bán ra tích cực.

Theo CEO Unilever Alan Jope, Unilever Việt Nam có thể đạt được quy mô gấp đôi hiện tại trong 5 - 10 năm tới. Công ty đang hướng đến những hoạt động xanh hóa và chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu này.

Unilever Việt Nam đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất. Tập đoàn này cũng tìm kiếm các nguyên liệu mới, xây dựng các công thức để tạo ra những sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật, các sản phẩm không có nhiên liệu hóa thạch. Công ty cũng chủ động đầu tư, thu hút, đào tạo nhân tài lĩnh vực số và thành lập nhóm chuyên gia chuyển đổi số chuyên biệt.

Chủ sở hữu Dutch Lady, Friso, YoMost… đưa ra thị trường hơn 1,5 tỷ suất sữa mỗi năm

FrieslandCampina bắt đầu vào Việt Nam từ năm 1995 và đã đầu tư mỗi năm khoảng 1 triệu USD và dần trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành sản xuất sữa tại Việt Nam.

Theo số liệu của VietnamReport, FrieslandCampina đưa ra thị trường hơn 1,5 tỷ suất sữa mỗi năm với các nhãn hiệu như Dutch Lady, Friso, YoMost, Fristi, Completa…, tương đương mỗi ngày có tới 4 triệu đơn vị sản phẩm của FrieslandCampina được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng.

 Các sản phẩm của FrieslandCampina tại Việt Nam. Ảnh: FrieslandCampina

Các sản phẩm của FrieslandCampina tại Việt Nam. Ảnh: FrieslandCampina

Tập đoàn này tạo ra hơn 15.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động trong nước, cung cấp các dịch vụ miễn phí về chăm sóc đàn bò sữa, dịch vụ quản lý trang trại cho 7.500 nông dân và phát triển đàn bò sữa lên đến 35.000 con. Doanh thu hoạt động của FrieslandCampina tại thị trường Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 dao động từ 9.000 - 10.000 tỷ đồng/năm.

De Heus trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam sau thương vụ với Masan

De Heus - Tập đoàn nông nghiệp Hà Lan đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008 và cùng đầu tư vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại Hà Nam với FrieslandCampina Việt Nam.

Cuối năm 2021, De Heus đã chi khoảng 340 triệu USD để mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed của Tập đoàn Masan. Thương vụ này đã đưa De Heus trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.

Sau khi mua lại 14 nhà máy của Masan, tổng số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam của De Heus đã nâng lên con số 23 tại thời điểm đó.

Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, sản lượng của De Heus Việt Nam đạt hơn 3 triệu tấn vào năm 2022, chiếm 25% tổng sản lượng của De Heus toàn cầu.

Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều nhà máy nhất của De Heus trên toàn cầu, tập đoàn cũng đồng thời mở rộng nhiều dự án nông nghiệp hàng trăm ha tại Tây Nguyên, Tây Ninh...

Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn hợp tác đầu tư.

Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn hợp tác đầu tư.

Doanh thu De Heus Việt Nam tăng đều trong các năm qua. Tới năm 2020 doanh thu của De Heus Việt Nam đạt 12.763 tỷ đồng, nếu tính gộp cả 14 nhà máy vừa mua lại của Masan, thì tổng số doanh thu có thể lên tới 26.510 tỷ đồng, vượt qua ''gã khổng lồ'' C.P của Thái Lan.

Chủ hãng sơn Dulux doanh thu 4.000 tỷ đồng mỗi năm tại Việt Nam

Gã khổng lồ tới từ Hà Lan, tập đoàn AkzoNobel tham gia thị trường Việt Nam từ năm 1995, đây là tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dulux, Maxilite, Interpon, Levis paint, eka, Dry-Flo, Sikkens…

AkzoNobel đã chi hàng chục triệu USD để xây dựng nhiều nhà máy ở các tỉnh phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai... Doanh thu của tập đoàn đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.

Trong đó, nhà máy thứ 4 đặt tại khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai, công suất 10 triệu lít/năm, với vốn đầu tư gần 7 triệu USD là một trong những nhà máy sản xuất sơn gỗ công nghiệp chiến lược của Tập đoàn AkzoNobel, cung cấp sơn cho toàn khu vực Đông Nam Á.

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 12/2022 tại Hà Lan, Ông Maarten de Vries, Giám đốc Tập đoàn sơn AkzoNobel, cho biết mong muốn đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam, bên cạnh mảng kinh doanh chính.

Damen dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD vào đóng tàu tại Việt Nam

Dù mức bao phủ tại Việt Nam còn chưa rộng rãi cũng như doanh thu tại Việt Nam còn khiêm tốn (mức cao nhất thu về là 840 tỷ đồng vào năm 2019), hãng đóng tàu hàng đầu Hà Lan Damen Shipyards Gorinchem vẫn có đóng góp lớn trong lĩnh vực của mình.

Nổi bật trong đó là nhà máy đóng tàu liên doanh Damen - Sông Cấm tại Hải Phòng, được khánh thành năm 2014. Vốn đầu tư giai đoạn 1 của nhà máy là 60 triệu Euro với 70% vốn góp từ Damen, mỗi năm đủ sức hoàn thiện 50 tàu.

 Nhà máy đóng tàu liên doanh Damen - Sông Cấm tại Hải Phòng.

Nhà máy đóng tàu liên doanh Damen - Sông Cấm tại Hải Phòng.

Mới đây, Damen Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long cũng đã ký hợp đồng đóng 2 tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720 chính thức và 4 tàu tùy chọn cùng series.

Trong cuộc làm việc với Thủ tướng hồi cuối năm 2022, ông Arnout Damen, Giám đốc điều hành Damen Shipyards Gorinchem cho biết, dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam.

Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021.

9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 7,9 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 7,4 tỷ USD, giảm 5%, nhập khẩu đạt 480 triệu USD, giảm nhẹ 8 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-la-manh-dat-cua-rong-bay-len-dat-nuoc-cua-nhung-co-hoi-post28738.html
Zalo