Việt Nam không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ phục vụ ý đồ của bất cứ ai

Việt Nam không đưa lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình đi phục vụ ý đồ của bất cứ ai, của bất cứ nước nào; không làm hại các nước bạn bè hay nước sở tại.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, 10 năm ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27/5/2014-27/5/2024), phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

PV: Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ra đời từ rất sớm, năm 1948. Phải mất tới hơn 60 năm sau, Việt Nam mới bắt đầu cử những sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Vì sao mà chúng ta tham gia muộn như vậy? Có phải do cơ chế hay rào cản nào không, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đến năm 1977, Việt Nam mới được gia nhập Liên Hợp Quốc. Sau đó, chúng ta phải đương đầu với các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, tiếp đó là bình thường hóa quan hệ với các nước lớn.

Lúc đầu, chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi tư duy mặc cảm thời chiến tranh lạnh: Cho rằng, Liên Hợp Quốc bị các nước lớn chi phối, thao túng nên chúng ta chưa thực sự quan tâm tới hoạt động gìn giữ hòa bình. Mặc dù lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948 và trên thực tế, sau này nghiên cứu mới thấy không phải một nước lớn nào có thể chi phối hoàn toàn hoạt động của Liên Hợp Quốc. Nhiều nước, trong đó có các nước như Ấn Độ, Indonesia - thành viên sáng lập phong trào không liên kết đều tham gia lực lượng này từ rất sớm, đóng góp quân số đông.

Cũng cần nói thêm rằng, lần đầu tiên Việt Nam tham gia là từ tháng 5/1997 (do Liên Hợp Quốc mời). Như vậy, sau 49 năm chứ không phải 60 năm sau Việt Nam mới tham gia. Lúc đó, Thường trực Ban Bí thư đồng ý nhận lời mời của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lời mời của nước bạn Algeria, giao Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao cử 5 sĩ quan, cán bộ tham gia tại làm quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Algeria.

Bẵng đi hơn một thập kỷ sau, năm 2018, Việt Nam mới cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia. Sau khi đã chuẩn bị bộ máy, cơ chế, chính sách, nhân sự và tranh thủ được sự hỗ trợ quốc tế để có thể tham gia sâu hơn. Đến nay, chúng ta đã cử hàng chục quan sát viên, 5 lượt bệnh viện dã chiến và 2 đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, với quân số gần 1000 lượt sĩ quan, quan sát viên quân sự, quân y, công binh, cảnh sát…

Chúng ta cử quân nhân nhưng không cử lực lượng chiến đấu đi tham gia lực lượng này, theo đúng tính chất của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là vô tư, không thiên vị, không sử dụng vũ lực (trừ trường hợp tự vệ cần thiết), theo đề nghị của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lời mời của nước chủ nhà.

PV: Thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về phụ nữ, hòa bình, an ninh và phát triển, Việt Nam cũng đã cử những nữ sĩ quan tham gia vào lực lượng này. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng này do các quân nhân nam đảm nhiệm, sau đó mở rộng sang cảnh sát và các thành phần dân sự. Mấy thập kỷ gần đây, xuất hiện các quân nhân nữ trên thế giới tham gia, thậm chí tham gia cả những nhiệm vụ nặng nhọc vốn chỉ phù hợp với nam giới.

Việc Việt Nam cử các nữ sĩ quan tham gia lực lực lượng này là nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, theo hướng tăng cường trao quyền cho phụ nữ, thêm cơ hội cho các chị em trải nghiệm, phấn đấu; đóng góp vào tương lai bền vững, an ninh, an toàn trên thế giới. Đồng thời cũng thể hiện Việt Nam thực hiện cam kết: Phụ nữ quân đội, phụ nữ công an sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tham gia Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc ở khu vực Abyei (UNISFA)

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tham gia Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc ở khu vực Abyei (UNISFA)

PV: Điều 23, Khoản 1 Hiến chương Liên Hợp Quốc có quy định, khi bầu cử Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ “lưu ý đến sự đóng góp của các thành viên Liên Hợp Quốc vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Ông có cho rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã mang về điểm cộng để Việt Nam trúng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và 2 lần trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm chức trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an; lần đầu nhiệm kỳ 2007-2008, nhiệm kỳ sau từ 2020-2021; Việt Nam cũng 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ hiện nay 2023-2025.

Như vậy, lần đầu tham gia Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cũng như Hội đồng Nhân quyền, chúng ta chưa tham gia nhiều vào hoạt động này.

Tiêu chí lựa chọn ứng viên để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu vào cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Nhân quyền là phải đại diện cho khu vực địa lý. Liên Hợp Quốc chia thế giới thành 5 khu vực địa lý. Trong đó, có nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Nước ứng viên phải được các nước khu vực (châu Á) tín nhiệm giới thiệu, theo tiêu chí toàn diện.

Lấy ví dụ, Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Các nước, các tổ chức khu vực tín nhiệm giới thiệu Việt Nam vì Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ, các bạn khu vực và quốc tế tin rằng Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn khi là thành viên của Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Nhân quyền đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế.

Như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.

PV: Vì sao Việt Nam chỉ tham gia những chiến dịch gìn giữ hòa bình đã được các bên xung đột đồng ý mời Liên Hợp Quốc tiến hành?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đây là tiêu chí chung của Liên Hợp Quốc để đảm bảo tính khách quan, không thiên vị, vô tư và không lợi dụng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc để nghiêng về bên này hay bên kia, không nghiêng về hoặc nước này hay nước kia trong cuộc xung đột.

Chúng ta không nên quên rằng: Chỉ khi xung đột giữa các bên hay, các nước liên quan chấm dứt, đi tới ký kết Hiệp định/Thỏa thuận hòa bình, trong đó có yêu cầu Liên Hợp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến giám sát thi hành Hiệp định/Thỏa thuận hòa bình, thì lúc đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mới tiến hành lập Phái bộ gìn giữ hòa bình, chọn một quan chức dân sự là người đứng đầu Phái bộ; đồng thời Tổng Thư ký và nước/hoặc Chính phủ do các bên xung đột cử ra, lựa chọn thăm dò những nước nào có thể cử quân tham gia, sau đó chính thức mời quốc gia đó. Nói cách khác, nếu Tổng Thư lý Liên Hợp Quốc, các nước, các bên xung đột không mời thì chúng ta không thể mang lực lượng đến đó.

Mỗi Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đều phải được Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua bằng Nghị quyết, nêu rõ nhiệm vụ, thời hạn hoạt động, phạm vi hoạt động, kinh phí hoạt động và cứ 6 tháng lại rà xét 1 lần để xem có chấm dứt hay kéo dài hoạt động.

Nếu kéo dài, thì kéo dài đến khi nào, tất cả đều do Hội đồng Bảo an quyết định. Việt Nam chỉ tham gia những Phái bộ gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc thành lập và mời tham gia góp quân, để đảm bảo lực lượng này vô tư, không thiên vị, tránh xung đột hay bất đồng với nước chủ nhà.

Các bác sĩ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên Hợp Quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Ảnh: TTXVN

Các bác sĩ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên Hợp Quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Ảnh: TTXVN

PV: Khi Việt Nam cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, cũng có nhiều ý kiến đề nghị và đề xuất Việt Nam tham gia vào tìm kiếm, truy bắt tội phạm chiến tranh để giao nộp cho Tòa án hình sự quốc tế nhưng chúng ta không đồng ý. Theo ông, vì sao chúng ta lại không tham gia hoạt động này?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là tòa án quốc tế thường trực được thành lập để điều tra, truy tố và xét xử các cá nhân bị buộc tội phạm những tội ác nghiêm trọng nhất mà cộng đồng quốc tế quan ngại, cụ thể là tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, kể từ khi thành lập, Tòa án hình sự quốc tế đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ nhiều bên và không thể thu hút được sự tham gia của các cường quốc, như Trung Quốc và Nga. Nhiều chính phủ các nước châu Phi phàn nàn rằng, các cuộc truy tố của Tòa án hình sự quốc tế đã nhắm vào châu lục này. Các chính quyền Mỹ gần đây đều cứng rắn với Tòa án hình sự quốc tế, mặc dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn nhưng vẫn còn căng thẳng.

Đến nay, mới có 124 quốc gia tham gia Quy chế tòa án hình sự quốc tế (gọi tắt là Quy chế Rome). Khoảng 40 quốc gia chưa ký Quy chế này (như Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Triều Tiên, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ...). Như vậy, không phải tất cả các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đều là thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), cho nên tính đại diện chưa cao như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, không đưa lực lượng đi phục vụ ý đồ của bất cứ ai, của bất cứ nước nào; không làm hại các nước bạn bè hay nước sở tại; không tham gia tìm kiếm, truy bắt “tội phạm chiến tranh” để giao nộp cho ICC. Nói cách khác là chúng ta không “mua dây để tự buộc mình”.

PV: Xin cảm ơn ông.

Trường Giang/Phát thanh Quân đội

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-khong-dua-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-lhq-phuc-vu-y-do-cua-bat-cu-ai-post1097884.vov
Zalo