Việt Nam khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm tại UNESCO

Phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris từ ngày 7-17/4, Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng chủ nghĩa đa phương và đề cao vai trò của UNESCO trong việc thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và hợp tác quốc tế, đồng thời cam kết tiếp tục là đối tác tin cậy, tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào các chương trình và sáng kiến chung của UNESCO.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn phát biểu tại Phiên khai mạc kỳ họp. (Ảnh: UNESCO)

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn phát biểu tại Phiên khai mạc kỳ họp. (Ảnh: UNESCO)

Ngày 7/4, tại Paris, Pháp, đã diễn ra phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành UNESCO với sự tham dự của 58 quốc gia thành viên và hơn 100 nước quan sát viên.

Kỳ họp này tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng mang tính chiến lược, định hướng hoạt động của tổ chức, đồng thời tiến hành các bước lựa chọn ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc.

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam-Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa (Bộ Ngoại giao) Lê Thị Hồng Vân và lãnh đạo các sở, ngành địa phương, Ban Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO cùng nhóm chuyên gia Việt Nam.

Thứ trưởng Ngô Lê Văn nhấn mạnh, thế giới đang ở thời kỳ chuyển đổi có tính thời đại với nhiều biến động, phức tạp, thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, sứ mệnh “xây dựng hòa bình trong tâm trí con người” của UNESCO càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành UNESCO. (Ảnh: UNESCO)

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành UNESCO. (Ảnh: UNESCO)

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập - cột mốc khẳng định tầm nhìn và giá trị bền vững của Tổ chức, Thứ trưởng đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Tổng Giám đốc và nỗ lực của Ban Thư ký UNESCO trong hiện thực hóa sứ mệnh này.

Ông khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, chủ động đồng hành và đóng góp tích cực cho các chương trình, mục tiêu chung của tổ chức – đúng như thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong chuyến thăm chính thức UNESCO ngày 7/10/2024.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng đề xuất, UNESCO tiếp tục đẩy mạnh vai trò dẫn dắt trong các trụ cột hợp tác then chốt: giáo dục, văn hóa và khoa học.

Thứ trưởng Ngô Lê Văn nhấn mạnh tinh thần học tập suốt đời, đồng thời chia sẻ rằng Việt Nam xác định giáo dục là chìa khóa để hiện thực hóa khát vọng phát triển trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Ông đề xuất UNESCO tiếp tục tăng cường hỗ trợ các quốc gia xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện và chia sẻ chính sách miễn học phí cho học sinh công lập tại Việt Nam từ năm học 2025–2026 như một cam kết mạnh mẽ đầu tư cho tương lai.

Về văn hóa, Thứ trưởng Ngô Lê Văn kêu gọi thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, phát triển công nghiệp sáng tạo và bảo vệ đa dạng văn hóa.

Trong lĩnh vực khoa học, ông hoan nghênh các nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về AI, đẩy mạnh ngoại giao khoa học, tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, quản trị công nghệ mới.

Thứ trưởng Ngô Lê Văn cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, coi đây là đột phá quan trọng hàng đầu.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và Lãnh đạo các địa phương gặp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. (Ảnh: UNESCO)

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và Lãnh đạo các địa phương gặp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. (Ảnh: UNESCO)

Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngô Lê Văn cùng lãnh đạo các địa phương Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nội cũng đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu, Trợ lý Tổng giám đốc về văn hóa Ernesto Ottone và Trưởng đoàn một số quốc gia, để thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và các lãnh đạo UNESCO đều bày tỏ đặc biệt vui mừng và ấn tượng về kết quả rất thành công của chuyến thăm lịch sử hiệu quả, thực chất của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO vào tháng 10/2024, nâng quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO lên tầm cao mới.

Việt Nam là một hình mẫu hợp tác “toàn diện, thực chất, hiệu quả” với UNESCO và khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất của Tổ chức.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay

Lãnh đạo UNESCO và Trưởng đoàn các nước thành viên đánh giá cao mối quan hệ hợp tác gắn bó, hiệu quả giữa Việt Nam và UNESCO trong gần nửa thế kỷ qua; ghi nhận những đóng góp thiết thực, có trách nhiệm và ngày càng sâu rộng của Việt Nam đối với hoạt động chung của Tổ chức, đặc biệt với tư cách là quốc gia đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan điều hành chủ chốt của UNESCO. Các nước coi Việt Nam là hình mẫu tiêu biểu trong việc hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế bền vững.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và Lãnh đạo các địa phương gặp Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và Lãnh đạo các địa phương gặp Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu.

Thứ trưởng Ngô Lê Văn cùng lãnh đạo các địa phương liên quan đã chủ trì các buổi làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo, Tổng Giám đốc Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) Maria-Laure Lavenir và các thành viên Ủy ban Di sản thế giới.

Hai bên trao đổi về việc tăng cường hợp tác trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam, trong đó đặc biệt thúc đẩy việc triển khai quyết định của Kỳ họp 46 của Ủy ban Di sản Thế giới liên quan đến hồ sơ Hoàng Thành Thăng Long, cũng như giới thiệu về những giá trị nổi bật của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc dự kiến sẽ được xem xét tại Kỳ họp 47 của Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng 7/2025.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và lãnh đạo các địa phương gặp Trợ lý Tổng giám đốc về văn hóa Ernesto Ottone.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và lãnh đạo các địa phương gặp Trợ lý Tổng giám đốc về văn hóa Ernesto Ottone.

Với tinh thần mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa nhân loại, Thứ trưởng Ngô Lê Văn đề nghị lãnh đạo và Ban Thư ký UNESCO và các quốc gia thành viên tiếp tục quan tâm, tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam.

Đây là những di sản mang đậm chiều sâu lịch sử, văn hóa và bản sắc dân tộc như: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc, Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong; Địa đạo Củ Chi; Thành Cổ Loa; Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Võ Bình Định; Thành phố Hồ Chí Minh gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo; danh nhân Lê Quý Đôn…

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và lãnh đạo Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội gặp Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và lãnh đạo Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội gặp Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo.

Lãnh đạo UNESCO và các nước thành viên đều bày tỏ sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy tiến trình xem xét các hồ sơ di sản mà Việt Nam đã đề xuất, qua đó cùng chung tay lan tỏa những giá trị nhân văn bền vững của nhân loại.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngô Lê Văn chuyển lời mời của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ mời Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo thăm chính thức Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và lãnh đạo Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội gặp Tổng Giám đốc Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) Maria-Laure Lavenir.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn và lãnh đạo Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội gặp Tổng Giám đốc Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) Maria-Laure Lavenir.

Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 17/4 với chương trình nghị sự trải rộng trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, nhân sự, quản lý và quan hệ đối ngoại.

Tại kỳ họp này, Việt Nam có một số hồ sơ dự kiến được xem xét, gồm: Hồ sơ “Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân” được ghi danh là di sản tư liệu thế giới; khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO lần thứ 43 ra Nghị quyết về việc cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO tổ chức sự kiện: “Việt Nam – Tinh hoa văn hóa và khát vọng vươn mình” tại Trụ sở UNESCO vào ngày 9/4/2025.

Đây là dịp để lan tỏa giá trị văn hóa Kinh Bắc và truyền đi hình ảnh một Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ sau 80 năm độc lập và hơn 40 năm Đổi mới, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì phát triển giàu mạnh, thịnh vượng và đóng góp xứng đáng cho nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại.

KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-khang-dinh-vai-tro-tich-cuc-va-trach-nhiem-tai-unesco-post871033.html
Zalo