Việt Nam hướng tới mô hình phát triển bền vững
Truyền thông và giới chuyên gia quốc tế có những nhận định sâu sắc về việc Việt Nam đang thực hiện bước ngoặt lớn trong cải cách thể chế sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời tổ chức lại địa giới hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo TTXVN, với tiêu đề “Chính quyền địa phương 2 cấp: Bước ngoặt lịch sử vì lợi ích nhân dân”, đài phát thanh RadioMundial - tiếng nói của Chính phủ và người dân Venezuela - nêu rõ, đây là mô hình nhằm theo hướng khoa học, tinh gọn và hiệu quả hơn, giảm tình trạng quan liêu bằng cách loại bỏ cấp trung gian, qua đó đưa chính quyền lại gần hơn với người dân để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Trong khi đó, teleSUR - kênh truyền hình đa quốc gia có trụ sở chính tại Venezuela, miêu tả chi tiết quá trình thực hiện cuộc cải cách chưa có tiền lệ này, trong đó bao gồm việc , Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ, cùng việc ban hành 40 nghị định của Chính phủ, trong đó có 28 nghị định tập trung vào việc phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh hiệu quả quản trị, theo RadioMundial và teleSUR, công cuộc ” của Việt Nam được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, thúc đẩy đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường liên kết vùng, qua đó cho thấy Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, kiến tạo và phục vụ.
Trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại, Đại sứ Việt Nam tại Venezuela Vũ Trung Mỹ khẳng định, việc truyền thông Mỹ Latin theo dõi sát sao và đánh giá tích cực về công cuộc “sắp xếp lại giang sơn” cho thấy công cuộc cải cách thể chế của Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa nội tại, mà còn có giá trị tham khảo trên quy mô toàn cầu.
Bà Rachel Isenschmid - Thư ký Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ-Việt Nam (SVEF) cho rằng, đây là bước đi đầy quyết đoán và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mô hình phát triển bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Đây không đơn thuần là việc gộp tách địa phương, mà là chiến lược nhằm tái cấu trúc không gian phát triển để hình thành các vùng động lực mạnh, có khả năng hội nhập quốc tế tốt hơn và thu hút dòng vốn chất lượng cao. Việc “sắp xếp lại giang sơn” có thể tạo ra những đơn vị hành chính-kinh tế có quy mô đủ lớn, giúp gia tăng sức cạnh tranh trong khu vực và giảm bớt phân tán nguồn lực.
Theo Thư ký SVEF, nỗ lực nêu trên đặc biệt quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư quốc tế, bởi các nhà đầu tư thường quan tâm đến tầm nhìn dài hạn, sự ổn định trong quản trị, cũng như năng lực điều phối vùng. Khi các địa phương có được quy mô thị trường lớn hơn, gắn kết hơn và có chiến lược phát triển rõ ràng hơn, họ sẽ có cơ hội xây dựng được các mô hình hợp tác công-tư hiệu quả hơn, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Isenschmid nói: “SVEF tin rằng chiến lược này nếu được triển khai hiệu quả sẽ tạo điều kiện để các địa phương hình thành hệ sinh thái phát triển đa ngành, nơi mà tài chính, công nghệ, du lịch, giáo dục và đổi mới sáng tạo có thể cộng hưởng với nhau. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của việc thiết lập các khu vực hợp tác xuyên biên giới giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các đối tác Thụy Sĩ và quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính xanh, sản xuất công nghệ cao, đào tạo nghề và khởi nghiệp sáng tạo”.