Việt Nam đề xuất sáng kiến hợp tácliên nghị viện, hướng tới thiết lập mạng lươínghị viện vì sinh thái toàn cầu
Lời Tòa soạn: Trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Đại hội Sinh thái Quốc tế Nevsky lần thứ 11 với chủ đề 'Hành tinh Trái đất: Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên' tại thành phố Saint -Petersburg, ngày 23/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã dự và phát biểu tại Phiên toàn thể 'Sinh thái trong thực tế mới: Thách thức và cơ hội'. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:
Việt Nam đề xuất sáng kiến
hợp tác liên nghị viện,
hướng tới thiết lập
mạng lưới
nghị viện
vì sinh thái toàn cầu
Lời Tòa soạn: Trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Đại hội Sinh thái Quốc tế Nevsky lần thứ 11 với chủ đề “Hành tinh Trái đất: Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên” tại thành phố Saint -Petersburg, ngày 23/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã dự và phát biểu tại Phiên toàn thể "Sinh thái trong thực tế mới: Thách thức và cơ hội".Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự, phát biểu tại Phiên toàn thể "Sinh thái trong thực tế mới: thách thức và cơ hội"
Kính thưa bà Matvienko Valentina Ivanova, Chủ tịch Hội đồng Liên bang của Quốc hội Nga,
Thưa các quý vị,
1. Tôi rất ấn tượng với món quà lưu niệm gửi gắm thông điệp sâu sắc, ý nghĩa từ Ban Tổ chức Đại hội. Hộp sách đỏ, chú gấu nương mình trên tảng băng đang dần tan, nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của thiên nhiên, về thái độ sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên, về ý thức trách nhiệm và hành động ngay tức khắc để cùng bảo tồn hệ sinh thái quý giá - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta. Hôm qua, trong phiên khai mạc, tôi rất cảm xúc với hình ảnh các cháu thiếu nhi trên sân khấu, hình ảnh đó làm tôi gợi nhớ một câu nói hay: "Chúng ta không thừa hưởng Trái Đất từ tổ tiên, mà vay mượn nó từ con cháu".
Tôi xin cảm ơn Quốc hội Liên bang Nga và Ban Tổ chức Đại hội sinh thái quốc tế Nevsky đã mời tôi và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị quan trọng và có ý nghĩa này. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Đại hội sinh thái quốc tế - nơi hội tụ trí tuệ, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm những giải pháp cấp bách và dài hạn cho thách thức môi trường toàn cầu.

Hộp sách đỏ, chú gấu nương mình trên tảng băng đang dần tan - món quà lưu niệm của Ban Tổ chức tặng các đại biểu, gửi gắm thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về ý thức trách nhiệm và hành động ngay tức khắc để cùng bảo tồn hệ sinh thái quý giá - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta.
2. Thế giới đang phải đương đầu ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đó là biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Trong đó, như Liên Hợp Quốc đánh giá, hệ sinh thái toàn cầu đang suy thoái với tốc độ chưa từng có, đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực, chất lượng nước, không khí và sinh kế của hàng tỷ người.
Trước thực trạng đó, chúng tôi tin rằng không một quốc gia nào có thể hành động đơn lẻ. Chúng ta cần thúc đẩy hợp tác qua nhiều kênh, nhiều cấp để có các giải pháp mạnh mẽ, kịp thời và hiệu quả hơn nhằm bảo tồn hệ sinh thái, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và chuyển đổi các mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự Phiên toàn thể "Sinh thái trong thực tế mới: Thách thức và cơ hội"
3.Việt Nam đang trên hành trình phát triển mạnh mẽ, nhưng luôn ý thức sâu sắc rằng sự thịnh vượng của quốc gia không thể đánh đổi bằng sự suy kiệt của thiên nhiên và môi trường sống của thế hệ tương lai. Việt Nam chủ trương định hướng phát triển bền vững, đặt con người làm trung tâm của quá trình phát triển, khuyến khích mô hình tăng trưởng xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học…
Trong nhiều năm qua, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng đổi mới tư duy lập pháp, hoàn thiện hệ thống thể chế, ban hành nhiều luật quan trọng liên quan đến bảo vệ môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Quốc hội đã phê chuẩn như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Công ước Đa dạng sinh học và Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu Côn Minh-Montreal…
Quốc hội Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động giám sát việc thực hiện các chính sách về môi trường, quản lý ô nhiễm, quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học; phê duyệt các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, các chương trình bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo.

Quang cảnh phiên họp
Việt Nam đang triển khai các biện pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Các Mục tiêu Phát triển bền vững và đạt Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhiều sáng kiến điển hình đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Tại đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải và tiết kiệm nước. Ở miền Trung, các dự án phục hồi rừng kết hợp sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số đang phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó là cácchương trình đô thị xanh, đô thị thông minh và phát thải thấp tại các đô thị lớn.
4. Để có thể thúc đẩy giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và bất ổn sinh thái, chúng tôi có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ đối tác thông qua các sáng kiến hợp tác cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Về phần mình, Quốc hội Việt Nam đề xuất Sáng kiến Hợp tác Liên nghị viện vì Sinh thái Toàn cầu, hướng tới việc thiết lập một mạng lưới nghị viện vì sinh thái toàn cầu. Sáng kiến có thể giúp chúng ta hình thành các cơ chế chia sẻ thông tin lập pháp về môi trường và cùng thúc đẩy các hành động nghị viện vì phát triển bền vững và an toàn sinh thái.
Thứ hai, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Các giải pháp cũng cần chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm phát thải carbon, bảo vệ và phát triển không gian xanh và xây dựng lối sống hài hòa với thiên nhiên.
Thứ ba, Việt Nam kêu gọi đẩy mạnh các cơ chế tài chính xanh, hỗ trợ kỹ thuật và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong các sáng kiến về bảo vệ môi trường và chuyển đổi sinh thái. Việc lồng ghép mục tiêu môi trường vào chiến lược phát triển quốc gia cần được hỗ trợ bởi nguồn lực ổn định, minh bạch và hiệu quả.

Quang cảnh phiên họp
Nhân dịp được phát biểu tại thành phố St. Petersburg tráng lệ, tôi xin mượn lời của Đại thi hào Alexander Pushkin: “Thiên nhiên là ngôi đền thiêng liêng, nơi con người tìm thấy sự yên bình và trí tuệ”.Bảo tồn thiên nhiên và môi trường sinh thái chính là mệnh lệnh của thời đại, là bảo tồn ngôi đền thiêng liêng cho chúng ta và các thế hệ tương lai.
“Từ triệu năm trước, thiên nhiên đã tồn tại mà không cần con người, nhưng con người sẽ không thể sống nếu không nương tựa vào thiên nhiên”.
Việt Nam chắc chắn sẽ luôn đồng hành với Liên bang Nga, các quốc gia có mặt tại Hội nghị hôm nay và cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một hành tinh xanh, an toàn, thịnh vượng và bền vững.
Xin cám ơn tất cả quý vị đại biểu!
* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt