Gỡ 'nút thắt' trong xây dựng thể chế, pháp luật ngành Công Thương để bước vào kỷ nguyên vươn mình

Luật Dầu khí, Luật Điện lực sửa đổi do Bộ Công Thương xây dựng góp phần khắc phục điểm nghẽn trong thực tiễn nhằm chống lãng phí nguồn lực.

Nhận diện lãng phí, điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, pháp luật

Ngày 9/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã chỉ đạo xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, nghị quyết cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW, nhận định về các hạn chế trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ thị chỉ ra nhận thức chưa sâu sắc, tổ chức chưa tốt và sự thiếu gương mẫu trong thực hành tiết kiệm của một số cán bộ, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, công tác vận động, tuyên truyền cũng chưa được chú trọng đúng mức.

Trong bài viết ngày 13/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích sâu sắc về vấn đề lãng phí trong xây dựng pháp luật, chỉ ra chất lượng xây dựng chưa đáp ứng thực tiễn, thủ tục hành chính rườm rà và dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện. Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra thể chế là điểm nghẽn lớn nhất, gây cản trở việc thực thi và thất thoát nguồn lực. Đây là yếu tố chưa tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển.

Việc gỡ các điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật ngành Công Thương góp phần thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa: Cấn Dũng

Việc gỡ các điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật ngành Công Thương góp phần thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa: Cấn Dũng

Quan điểm chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp về chống lãng phí trong xây dựng thể chế, pháp luật

Từ các văn bản chỉ đạo của Trung ương như Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 27-CT/TW đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về xây dựng thể chế, pháp luật. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo. Tổng Bí thư đề xuất cải cách thủ tục hành chính, đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết định, làm và chịu trách nhiệm. Tất cả nhằm giảm thiểu thất thoát nguồn lực và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản như Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/6/2024 và Quyết định 1764/QĐ-TTg năm 2023 để tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các nội dung này tập trung vào sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nhà nước.

Bộ Công Thương tháo gỡ điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, pháp luật để chống lãng phí

Theo thông tin từ Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), từ ngày 1/1/2021 - 1/9/2024, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình ban hành 156 văn bản pháp luật, gồm 5 luật, 20 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 128 thông tư. Nổi bật là các luật như Luật Dầu khí 2022, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, và Luật Điện lực sửa đổi 2024. Những luật này không chỉ thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mà còn khắc phục những điểm nghẽn trong thực tiễn.

Điển hình, Luật Dầu khí 2022 tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động dầu khí. Tương tự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã mở rộng các quyền lợi cơ bản, bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Luật Điện lực sửa đổi 2024 đã giải quyết các nút thắt về đầu tư, xây dựng điện gió ngoài khơi và các dự án điện khẩn cấp, đáp ứng đòi hỏi của an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xây dựng và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trên nền tảng 4 chính sách lớn được Chính phủ thông qua, Dự án Luật xác định kim chỉ nam là “xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển".

Về hoàn thiện chính sách và tổ chức thi hành, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành các nghị định quan trọng như Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Các chính sách này không chỉ thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch mà còn tạo tiền đề cho thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia đến năm 2050 cũng được Bộ Công Thương triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Để đảm bảo thực thi Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức thi hành luật, giúp tuyên truyền, phổ biến và xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đặc biệt, Bộ đã giải quyết vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo, giải phóng nguồn lực đầu tư lên đến 13 tỷ USD, khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội và góp phần thúc đẩy việc cung cấp nguồn năng lượng xanh, sạch chiếm xấp xỉ 10% công suất toàn hệ thống điện quốc gia.

Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch, tập trung rà soát hệ thống pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết và xử lý các văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo. Bộ cũng chủ động báo cáo, đề xuất các dự án luật mới nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng thời, các cấp ủy, người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật; quán triệt nghiêm tinh thần “Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển”.

Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xem xét kỹ lưỡng các dự án luật và nghị quyết. Lãnh đạo Bộ cũng chú trọng tăng cường truyền thông chính sách, giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt và đồng thuận với các chính sách lớn ngay từ giai đoạn soạn thảo.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/go-nut-that-trong-xay-dung-the-che-phap-luat-nganh-cong-thuong-de-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-365582.html
Zalo