Việt Nam đạt 14 bác sĩ trên 10.000 dân
Theo Bộ Y tế, vượt tuyến khám chữa bệnh xảy ra khá phổ biến. Tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư y tế
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 được Bộ Y tế tổ chức sáng 24-12, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự hội nghị.
Nhiệm vụ của ngành y tế rất nặng nề
Báo cáo công tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm qua, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỉ lệ dân số tham gia BHYT; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao.
Cụ thể, năm 2024, Việt Nam đạt 14 bác sĩ trên 10.000 dân, tăng so với năm 2023 là 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân. Ngành y tế đặt mục tiêu có 15 bác sĩ trên 10.000 dân vào 2025.
Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; cải cách hành chính; chuyển đổi số y tế... Chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục. "Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025 cũng như những năm tới đối với ngành y tế rất nặng nề"- bà nói.
Tỉ lệ bác sĩ, điều dưỡng thấp hơn nhiều so với khuyến cáo
Theo báo cáo, quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (chỉ tăng 2,33%). Tổng nhân lực ngành y tế hiện nay là 431.724 người và thấp hơn nhiều so với dự kiến 632.510 người của Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020.
"Thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn. Tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn bệnh nhân"- báo cáo Bộ Y tế nêu.
Bộ Y tế cho biết theo khuyến cáo của quốc tế thì tỉ lệ điều dưỡng/bác sĩ phải trên 2 điều dưỡng/bác sĩ và yêu cầu 1 điều dưỡng không phải phụ trách quá 7-8 bệnh nhân nội trú, và ở các khoa phẫu thuật, chăm sóc tích cực tỉ lệ này là 4/1.
Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện công lập mới chỉ đạt được tỉ lệ 1,2-1,5 điều dưỡng/bác sĩ và 1 điều dưỡng vẫn phải phụ trách chăm sóc trung bình từ 10 - 15 giường bệnh nội trú.
Trong khi đó, trình độ năng lực của bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế trong chăm sóc sức khỏe đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật.
Bộ Y tế cũng thừa nhận chất lượng y tế giữa các tuyến, vùng miền còn chênh lệch, vượt tuyến khám chữa bệnh xảy ra khá phổ biến.
Tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung hoặc đấu thầu không kịp thời.
Số lượng hồ sơ đăng ký thuốc, thiết bị y tế lũy kế tồn đọng của giai đoạn trước đã ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. Việc triển khai các quy định mới như các chính sách mua sắm đấu thầu, xây dựng giá... còn gặp nhiều khó khăn
Mở rộng quỹ đất xây dựng các cơ sở y tế
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định 326 về kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 và 2030 cho 63 tỉnh/thành phố, trong đó có đất dành cho việc xây dựng các cơ sở y tế của 63 tỉnh/thành phố. Theo đó, diện tích đất dành cho xây dựng các cơ sở y tế (bao gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước) đến năm 2025 là 9.897 ha (tăng 2.477 ha) và đến năm 2030 là 12.040 ha (tăng 4.620 ha).
Trong đó, tại Hà Nội, quỹ đất xây dựng các cơ sở y tế năm 2025 là 555 ha và năm 2030 là 747 ha (hiện là 410 ha). Với TP HCM sẽ tăng từ 310 ha lên 449 ha (năm 2025) và 665 ha (năm 2020). Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quỹ đất tăng từ 970 ha (năm 2020) lên 1.388 ha (năm 2025).