Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á

Chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á trong năm 2024 tăng 13% so với năm trước đó, lên 19,3 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam dẫn đầu về mức tăng trưởng, theo công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore.

Trong năm 2024, Grab củng cố vị trí dẫn đầu thị phần giao đồ ăn của Đông Nam Á, gia tăng khoảng cách với đối thủ đứng thứ hai Foodpanda. Ảnh: Malsaysiakini.com

Trong năm 2024, Grab củng cố vị trí dẫn đầu thị phần giao đồ ăn của Đông Nam Á, gia tăng khoảng cách với đối thủ đứng thứ hai Foodpanda. Ảnh: Malsaysiakini.com

Trong báo cáo “Nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á” công bố hôm 17-2, Momentum Works cho biết, sau 2 năm tăng trưởng chậm lại ở mức 5%, lĩnh vực giao đồ ăn của Đông Nam Á bứt tốc vào năm 2024, với mức tăng trưởng 13% lên 19,3 tỉ đô la.

Thị trường Việt Nam và Indonesia thúc đẩy phần lớn sự phục hồi tăng trưởng này, trong khi các thị trường khác trong khu vực cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số hoặc gần hai chữ số.

Theo báo cáo, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất khu vực ở mức 26%, trong đó, ShopeeFood và Grab đang hình thành thế độc quyền. Cụ thể, tổng giá trị đơn hàng giao đồ ăn tại Việt Nam đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, từ mức 1,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023.

Indonesia đứng thứ hai với mức tăng trưởng 18%, nhờ vào nỗ lực mở rộng mạnh mẽ của Grab, Gojek và ShopeeFood.

Nếu xét về quy mô, thị trường giao đồ ăn của Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực. Indonesia vẫn là thị trường lớn nhất với tổng giá trị đơn hàng giao đồ ăn đạt 5,4 tỉ đô la trong năm ngoái, đứng thứ tiếp theo là Thái Lan (4,2 tỉ đô la), Philippines (2,8 tỉ đô la).

Năm ngoái, Grab vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu thị phần giao đồ ăn của Đông Nam Á, với thị phần hơn 50%, nới rộng khoảng cách với đối thủ đứng thứ hai Foodpanda. Trong khi đó, ShopeeFood vượt qua Gojek để trở thành công ty giao đồ ăn thứ ba trong khu vực.

Dù mức tăng trưởng chung của thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) ở Đông Nam Á chậm lại còn 4,6% trong năm ngoái, nhưng mức độ thâm nhập của dịch vụ giao đồ ăn tăng lên nhờ vào các phân khúc khách hàng mới và sự thay đổi chiến lược của các nền tảng.

Các nền tảng giao đồ ăn đang chuyển từ mục tiêu lợi nhuận sang mục tiêu tăng trưởng, với các chiến lược khai thác phân khúc thị trường đại chúng rộng lớn hơn thông qua các chiến lược nhắm vào các phân khúc nhạy cảm về chi phí. Những chiến lược này nhằm thu hút người dùng mới và tăng tần suất mua hàng của khách hàng.

Gojek, Grab và ShopeeFood đều triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá và sáng kiến mở rộng tiếp cận thị trường đại chúng trong suốt năm 2024.

Grab chứng kiến chiến lược này phát huy hiệu quả trong việc mở rộng lượng người dùng giao dịch hàng tháng, tăng từ 38,5 triệu vào quí 1-2024 lên 40,9 triệu vào quí 2- 2024 và 41,9 triệu vào quí 3- 2024.

“Sau nhiều năm ưu tiên lợi nhuận, các nền tảng giao đồ ăn hàng đầu Đông Nam Á đã lấy lại xung lực để thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng tiếp theo”, Jianggan Li, CEO kiêm nhà sáng lập Momentum Works bình luận.

Ông nói thêm, với các phân khúc khách hàng đã rõ nét hơn và hiệu quả hoạt động nâng cao, giờ đây các nền tảng có thể khám phá những động thái táo bạo và mang tính chiến lược hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Báo cáo của Momentum Works chỉ ra rằng, các nền tảng hàng đầu như Grab và ShopeeFood đã chuyển trọng tâm sang thu hút khách hàng bình dân thông qua các sáng kiến thân thiện với ngân sách như phí giao hàng thấp hơn và các bữa ăn giá cả phải chăng.

Du khách cũng là một phân khúc quan trọng khác mà các công ty giao đồ ăn đang khai thác trong bối cảnh số lượng du khách đến Đông Nam Á tăng từ 39,8 triệu vào năm 2022 lên 91,4 triệu vào năm 2023.

Trong khi đó, TikTok bắt đầu thử nghiệm cho phép các đối tác bán phiếu giảm giá cho dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác ở Thái Lan và Indonesia. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu, sự gia nhập của TikTok có thể làm xáo trộn thị trường giao đồ ăn của khu vực nếu nền tảng quyết định hợp tác với các nền tảng giao hàng để giao đồ ăn.

Báo cáo của Momentum Works cũng nhấn mạnh rằng, các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực đang tập trung vào việc cải thiện hiệu quả lợi nhuận bằng cách tối ưu hóa hoạt động của tài xế giao đồ ăn, giảm chi phí giao và phân chia khách hàng thành các nhóm bình dân, tiêu chuẩn và cao cấp.

Tuy nhiên, thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á đang ngày càng trở nên tập trung, với hai nền tảng dẫn đầu chiếm lĩnh hơn 80% thị trường ở hầu hết các nước trong khu vực.

Gần đây, hang tin Bloomberg cho biết, công ty dịch vụ gọi xe và giao thực phẩm Grab Holdings đang xem xét mua lại đối thủ GoTo Group, chủ sở hữu GoJek, ở Indonesia ở mức định giá hơn 7 tỉ đô la Mỹ,

Theo Momentum Works, một thương vụ sáp nhập Grab-Gojek có thể định hình lại bối cảnh cạnh tranh thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á trong năm 2025.

Theo Business Times, Tech Node

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/viet-nam-dan-dau-tang-truong-dich-vu-giao-do-an-o-dong-nam-a/
Zalo