Giá gạo xuất khẩu dự báo sớm phục hồi
Sau 2 tháng đảo chiều giảm sâu so với giai đoạn tăng mạnh mẽ trước đó, giá lúa gạo trong nước đang có dấu hiệu phục hồi. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại.
Hiện tại, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì dưới 400 USD/tấn - mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thị trường gạo toàn cầu vừa trải qua giai đoạn giao dịch trầm lắng hơn so với chu kỳ hàng năm. Nguyên nhân chính khiến giá lúa gạo giảm mạnh từ cuối năm 2024 là do nguồn cung dư thừa. Trong khi các nước nhập khẩu lớn như Indonesia, Philippines đang tạm ngưng hoặc trì hoãn mua hàng để theo dõi diễn biến giá, thì sản lượng gạo từ các quốc gia xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Ấn Độ, lại tăng mạnh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025 dự kiến đạt mức kỷ lục 532,66 triệu tấn, cao hơn gần 10 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng gạo của 4 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đều tăng. Đáng chú ý, sản lượng của Ấn Độ đạt 145 triệu tấn, tăng 7,2 triệu tấn so với năm trước, góp phần làm nguồn cung trên thị trường trở nên dư thừa, kéo giá gạo giảm mạnh.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu cũng suy yếu rõ rệt. Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ kết thúc, nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam trì hoãn mua hàng do kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm. Điều này khiến giá gạo liên tục lao dốc, đánh mất giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trước đó.
Tuy nhiên, sau hai tháng giảm sâu, giá lúa gạo trong nước đang có dấu hiệu phục hồi. Trong phiên giao dịch sáng 18/2, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo đã tăng nhẹ từ 100 - 200 đồng/kg.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, gạo Việt Nam từ lâu đã giữ vị thế quan trọng trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu. Khi các khách hàng lớn quay trở lại, giá gạo Việt Nam nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Năm 2025, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng chủ lực của Việt Nam. Trung bình mỗi tháng, quốc gia này cần nhập khẩu 350.000 tấn gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Dù Philippines đang đa dạng hóa nguồn cung bằng cách nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ, nhưng Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường đáng chú ý, khi nguồn cung gạo cho nước này chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam thay vì Ấn Độ.
Với những diễn biến này, giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ sớm tăng trở lại. Mặc dù khó đạt mức cao như năm ngoái, nhưng giá gạo 5% tấm nhiều khả năng sẽ dao động trong khoảng 435 - 450 USD/tấn. Đặc biệt, các dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao và gạo đặc sản vẫn sẽ tiếp tục duy trì sức hút trên thị trường quốc tế.
Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch, với khoảng 9 triệu tấn, đạt 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với trên 600 USD/tấn.