Việt Nam- Cộng hòa Dominicana còn nhiều tiềm năng hợp tác thương mại

10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Cộng hòa Dominicana đạt 76,5 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 64,3 triệu USD, nhập khẩu từ Cộng hòa Dominicana 12,2 triệu USD.

Trong chặng đường gần 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Cộng hòa Dominicana đã ghi nhận những kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có kinh tế - thương mại. Thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại có tốc độ tăng trưởng nhanh và còn nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác lớn trên các lĩnh vực. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dominicana của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng và mong muốn của Việt Nam trong việc tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác song phương, hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (7/7/2005 - 7/7/2025).

Công nhân chế biến hải sản xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Công nhân chế biến hải sản xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Cuba (kiêm nhiệm Cộng hòa Dominicana) Lê Quang Long đánh giá: Quan hệ kinh tế - thương mại mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch thương mại của mỗi nước, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên nhưng ghi nhận bước tăng nhanh.

Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Cộng hòa Dominicana ở mức 36,5 triệu USD, sau 10 năm, hai nước đã đưa con số này lên mức gần 100 triệu USD và còn có thể tiến xa hơn nữa.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, Cộng hòa Dominicana đánh giá cao thành tựu và vị thế của Việt Nam trong việc làm cầu nối với khu vực Đông Nam Á và châu Á, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, nhất là hợp tác về dầu khí, năng lượng, viễn thông, xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, pin mặt trời, thép, sản phẩm và thiết bị thể thao, sứ vệ sinh, bột giặt, vải sợi, lắp ráp xe buýt, xe máy.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cộng hòa Dominicana là máy móc và thiết bị điện tử; nông sản; hải sản; cao su và sản phẩm từ cao su; da giày; đồ gỗ nội thất; nhựa và sản phẩm từ nhựa; sản phẩm dệt may. Cùng đó, mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Cộng hòa Dominicana là sắt thép; thiết bị quang học dùng trong y tế; xơ sợi nhân tạo.

Những năm qua, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana còn rất khiêm tốn. Năm 2021, xuất khẩu Việt Nam đạt 103,4 triệu USD, với tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ 67% so với năm trước. Nhập khẩu từ Cộng hòa Dominicana đạt 25,4 triệu USD với tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng 92%. Có thể nói đây là kết quả của việc tăng cường hợp tác thương mại và cho thấy nhu cầu cao của thị trường hai nước.

Tuy nhiên, năm 2022 xuất khẩu Việt Nam giảm xuống còn 91,5 triệu USD, giảm 11,5%, nhập khẩu từ Cộng hòa Dominicana giảm xuống còn 21,1 triệu USD, giảm 16%. Sự sụt giảm này do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kinh tế toàn cầu suy thoái, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá cả trên thị trường quốc tế…

Năm 2023, dù xuất khẩu hồi phục nhẹ với 93,2 triệu USD, tăng 1,8% so với năm 2022 nhưng con số này vẫn chưa đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2021. Đặc biệt, nhập khẩu từ Cộng hòa Dominicana sụt giảm mạnh chỉ còn 2,6 triệu USD, giảm 87%, đáng lo ngại và cần phải xem xét nguyên nhân để cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Riêng 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 76,5 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 64,3 triệu USD, nhập khẩu từ Cộng hòa Dominicana 12,2 triệu USD.

Theo các chuyên gia, sự biến động trong kim ngạch xuất nhập khẩu cho thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana đang gặp khó khăn, nhất là trong năm 2022 và 2023. Vì thế, cần chiến lược để khôi phục và tăng cường quan hệ, nhất là hiện tại hai bên không có dự án hợp tác đầu tư nào.

Với dân số hơn 10 triệu người, dung lượng thị trường được xếp vào mức trung bình nhưng là thị trường tương đối lớn so với các nước khác trong khu vực. Tương tự nhiều nước Mỹ Latinh và Trung Mỹ khác, Cộng hòa Dominicana là thị trường mới, nhiều tiềm năng kinh doanh và đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam. Về mức độ ổn định của môi trường thương mại và đầu tư tại Cộng hòa Dominicana ổn định hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Hai bên tích cực triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy đàm phán và ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cộng hòa Dominicana, tạo tiền đề để tiến tới ký Biên bản thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa hai Bộ trong khuôn khổ chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Cộng hòa Dominicana sang Việt Nam trong năm 2025. Cùng đó, hai bên tích cực tìm hiểu thông tin thị trường của nhau thông qua kênh cơ quan đại diện ngoại giao tại mỗi nước hoặc cơ quan đại diện thương mại ở nước kiêm nhiệm, tuyên truyền thông tin về hội chợ, triển lãm thương mại của mỗi bên để doanh nghiệp quan tâm tham gia.

Công nhân chế biến mủ cao su xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Công nhân chế biến mủ cao su xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Mới đây, tại buổi tiếp và làm việc với ông Miguel Mejia, Tổng Bí thư Đảng Phong trào cánh tả thống nhất, Bộ trưởng Chính sách Hội nhập khu vực, Cộng hòa Dominicana, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước và nỗ lực của các cơ quan của hai bên trong việc thúc đẩy và đưa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Cộng hòa Dominicana ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc Dominicana là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Mỹ Latinh trong suốt hai thập kỷ vừa qua. Trong bối cảnh đó, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên đã đạt được những kết quả tích cực với kim ngạch thương mại song phương duy trì ở mức 120 triệu/năm.

Mặc dù vậy, đây vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam và Cộng hòa Dominicana. Nguyên nhân chính có thể kể đến việc doanh nghiệp hai nước vẫn thiếu thông tin về thị trường của nhau, trao đổi đoàn các cấp còn hạn chế cùng nhiều nguyên nhân khách quan khác như khác biệt về ngôn ngữ, xa xôi về địa lý...

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Đại sứ Lê Quang Long cho rằng: Thời gian tới, hai nước cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua các hội chợ, triển lãm và diễn đàn đầu tư để kết nối các doanh nghiệp và địa phương hai nước trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác. Cùng đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại các nước trong khu vực Mỹ Latinh – Caribe nên tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường sang Cộng hòa Dominicana và từ đó mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: Ngoài hợp tác thương mại, trong thời gian tới hai bên xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng, xây dựng, y tế… Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực logistics – cảng biển, cùng nhau nghiên cứu biện pháp để khai thác các tuyến vận tải; cũng như đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và đặc biệt là du lịch – ngành kinh tế chủ chốt thế mạnh của Cộng hòa Dominicana.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, doanh nghiệp cần chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử…Ngược lại, phía Cộng hòa Dominicana cử đoàn doanh nghiệp sang tham dự Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Sourcing 2025) dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 năm 2025 ở Việt Nam. Đặc biệt, hai bên cần tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC).

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-cong-hoa-dominicana-con-nhieu-tiem-nang-hop-tac-thuong-mai/353897.html
Zalo