Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo
Theo Chủ tịch BritCham Denzel Eades, Việt Nam có tiềm năng to lớn và có thể trở thành quốc gia đi đầu trong ngành năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á.
Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Vương quốc Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), qua đó mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy giao thương giữa hai quốc gia thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA).
Trong lĩnh vực năng lượng, Vương quốc Anh đã thể hiện vai trò tích cực khi ủng hộ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Đồng thời, các doanh nghiệp Anh cũng ghi dấu ấn với hàng loạt hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Để nhìn lại những thành tựu nổi bật trong năm qua và thảo luận về tiềm năng hợp tác trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Denzel Eades - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham). Trong buổi trao đổi, ông Denzel Eades đã chia sẻ những nhận định chiến lược, đồng thời khẳng định cơ hội phát triển thương mại và năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Là một tổ chức hoạt động lâu năm tại Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác, đầu tư, ông đánh giá như thế nào về những thành công trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh năm qua?
Ông Denzel Eades: Trong năm qua, thương mại song phương Việt Nam - Anh đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đạt khoảng 6,5 tỷ bảng Anh (hơn 8 tỷ USD). Thành công này được xây dựng trên nhiều yếu tố, nổi bật là UKVFTA, giúp giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cũng như việc Anh gia nhập CPTPP, thể hiện cam kết vững chắc trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động Anh-Việt đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại, qua đó khẳng định tầm nhìn chung về hợp tác kinh tế sâu rộng giữa hai quốc gia. Sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ hai nước cũng giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại.
Các lĩnh vực truyền thống như sản xuất, nông nghiệp và thời trang tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong quan hệ thương mại song phương. Đồng thời, các ngành công nghiệp có giá trị cao như công nghệ, dược phẩm, trí tuệ nhân tạo (AI) và dịch vụ tài chính đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ làm đa dạng hóa cơ cấu thương mại mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác mới.
Ngoài ra, những tổ chức như BritCham cũng đã đóng góp tích cực vào quan hệ giữa 2 nước, bằng cách hỗ trợ kết nối cộng đồng doanh nghiệp song phương, đồng thời cung cấp các công cụ và kiến thức cần thiết để tận dụng các cơ hội kinh doanh.
Dù quan hệ hợp tác hai nước đã đạt được những điểm sáng và thành công nhất định, song vẫn còn nhiều thách thức. Vậy Việt Nam cần làm gì để khắc phục những hạn chế này, thưa ông?
Ông Denzel Eades: Doanh nghiệp nước ngoài nói chung thường sẽ đầu tư vào quốc gia nào có độ minh bạch cao và có kế hoạch rõ ràng. Việt Nam đã có những bước tiến trong lĩnh vực này, đặc biệt là với các chính sách lập kế hoạch dài hạn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỗ để cải thiện trong các lĩnh vực như tính rõ ràng của quy định và khuôn khổ pháp lý. Việc hợp lý hóa các khía cạnh này sẽ giúp các doanh nghiệp tự tin hơn và giảm thiểu các rào cản khi gia nhập vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Việt Nam đến giải quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư vốn chủ sở hữu và nợ, đồng thời nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao. Để làm được điều này, Việt Nam cần đầu tư vào phát triển và đào tạo lực lượng lao động để trang bị các kỹ năng cần thiết.
Ngoài ra, việc tăng cường chuỗi cung ứng để hỗ trợ các ngành công nghiệp là rất quan trọng. Một chuỗi cung ứng đáng tin cậy và mạnh mẽ không chỉ thu hút đầu tư mà còn đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương trên thị trường toàn cầu.
Bằng cách giải quyết những thách thức này, Việt Nam có thể củng cố thêm vị thế của mình như một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng đối với Vương quốc Anh.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh?
Ông Denzel Eades: Theo tôi, triển vọng cho năm 2025 là vô cùng tích cực và một số yếu tố góp phần vào sự lạc quan này. Đầu tiên, nền tảng của mối quan hệ song phương đã được thiết lập vững chắc thông qua UKVFTA và tư cách thành viên CPTPP của Anh.
Ngoài ra, Kế hoạch hành động Việt Nam-Anh giai đoạn 2024-2026 sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ này bằng cách tập trung vào việc sử dụng hiệu quả các thỏa thuận sẵn có, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có thể tận dụng đầy đủ các cơ hội có sẵn từ UKVFTA và CPTPP.
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam là một động lực thúc đẩy khác. Hướng tới mực tiêu là đất nước có thu nhập trung bình khá, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư Vương quốc Anh, đặc biệt là trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, công nghệ số và năng lượng tái tạo.
Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, chúng ta có thể mong đợi sự hợp tác sâu sắc hơn và đầu tư gia tăng giữa các doanh nghiệp từ cả hai quốc gia. Mối quan hệ năng động này sẽ phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong năm 2025, mà còn trong những năm tới.
Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành chuyển đổi năng lượng xanh, ông có nhận định gì về tiềm năng ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam trong năm 2025?
Ông Denzel Eades: Theo tôi, tiềm năng trong ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam là "khổng lồ" và những chính sách vừa qua đã phản ánh cam kết mạnh mẽ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tôi đặc biệt đánh giá cao Quy hoạch điện VIII, vì đã có mục tiêu đầy tham vọng cho phát triển năng lượng tái tạo, với điện gió ngoài khơi là trọng tâm chính, và kế hoạch đạt công suất 90 GW vào năm 2050. Điều này hoàn toàn phù hợp với Vương quốc Anh, với tư cách là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong phát triển điện gió ngoài khơi.
Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam (JETP), do Vương quốc Anh đồng chủ trì, là một sáng kiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, bằng việc chuyển đổi nhiên liệu điện.
Phát triển năng lượng hydrogen cũng là một lĩnh vực đầy hứa hẹn, cả cho mục đích sử dụng trong nước và tiềm năng xuất khẩu. Sự tương hỗ giữa điện gió ngoài khơi và sản xuất hydro mang lại nhiều khả năng hợp tác thú vị.
Tôi tin rằng Việt Nam đang ở thời điểm then chốt trong hành trình năng lượng của mình. Với các kế hoạch đầy tham vọng và sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đang sẵn sàng trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á.
Theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần cải cách như thế nào về môi trường đầu tư để không chỉ thu hút thêm các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh, mà còn "giữ chân" họ lâu dài?
Ông Denzel Eades: Thành công của Việt Nam nằm ở việc tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp với kỳ vọng quốc tế đồng thời hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Để bắt đầu, Việt Nam phải cân nhắc cách thức huy động tối đa nguồn vốn nước ngoài để củng cố thị trường vốn trong nước và tạo điều kiện cho các công ty trong nước phát triển.
Thứ hai, Việt Nam nên xác định vai trò lâu dài của mình là một quốc gia dẫn đầu khu vực về công nghệ và công nghiệp. Điều này đã thể hiện rõ trong các lĩnh vực như năng lượng, nơi cam kết của Việt Nam đối với năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo đang thu hút vốn nước ngoài. Những sáng kiến này không chỉ củng cố an ninh năng lượng mà còn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Thứ ba, tôi tin rằng việc giải quyết các vấn đề về năng lực là điều cần thiết. Điều này bao gồm đảm bảo đủ vốn và phát triển lực lượng lao động có tay nghề trong các ngành công nghiệp mới nổi như công nghệ số, AI và năng lượng tái tạo. Chuyên môn của Việt Nam về phát triển phần mềm và quá trình chuyển đổi từ dầu khí sang năng lượng gió ngoài khơi tạo nên nền tảng vững chắc.
Cuối cùng, tính bền vững vẫn phải là ưu tiên hàng đầu, phù hợp với mục tiêu của cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Một chương trình nghị sự mạnh mẽ về môi trường đảm bảo tăng trưởng dài hạn và củng cố danh tiếng của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.
Vương quốc Anh hiện có kế hoạch nào để hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, thưa ông?
Ông Denzel Eades: Tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Các chương trình như Học bổng Chevening và quan hệ đối tác với các tổ chức như Đại học Anh tại Việt Nam đã thể hiện cam kết của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ các mục tiêu giáo dục của Việt Nam.
Ngoài hợp tác học thuật, đào tạo nghề và kỹ thuật là một lĩnh vực ngày càng được quan tâm. Khu vực tư nhân tại Vương quốc Anh đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như điện gió ngoài khơi, nhờ những kinh nghiệm lâu năm trong việc xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với các dự án, đảm bảo rằng lực lượng lao động được trang bị các kỹ năng phù hợp.
Tôi tin rằng cách tiếp cận này có thể mang lại lợi ích rất lớn cho Việt Nam vì nó xây dựng năng lực trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Bằng cách thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào đào tạo kỹ năng, Việt Nam có thể chuẩn bị tốt hơn, sẵn sàng đón đầu các cơ hội trong tương lai.
Trong thời gian tới, Britcham sẽ triển khai những chương trình hoặc kế hoạch nào để thúc đẩy đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng, thưa ông?
Ông Denzel Eades: Năm 2024, BritCham thành lập các Nhóm công tác, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, giáo dục, dịch vụ tài chính, trong đó đặc biệt là Nhóm công tác ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Các nhóm này sẽ thúc đẩy các hoạt động vào năm 2025, hỗ trợ thương mại và đầu tư trong khi tham gia vào các sáng kiến của cả chính phủ Anh và Việt Nam.
Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, BritCham đã tạo điều kiện cho các cuộc họp giữa các nhà phát triển năng lượng Anh và các quan chức Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác trong các dự án năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức một diễn đàn giáo dục để tăng cường mối quan hệ giữa các tổ chức giáo dục giữa 2 quốc gia.
Nhóm dịch vụ tài chính của chúng tôi đang tích cực tham gia phát triển Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) của Việt Nam, cung cấp thông tin về chính sách và hỗ trợ tăng trưởng. Tương tự như vậy, nhóm ESG sẽ làm việc về tài chính bền vững, thị trường carbon và tính bền vững của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chúng tôi đang thành lập một Nhóm công tác thương mại mới, để tăng cường hiểu biết về UKVFTA và CPTPP. Nhóm này cũng sẽ tạo điều kiện cho các phái đoàn thương mại, thúc đẩy mối liên hệ giữa các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia.
Cuối cùng, BritCham sẽ tiếp tục hỗ trợ mạng lưới kinh doanh thông qua các sự kiện như chuỗi hoạt động gặp mặt CEO của chúng tôi, trong đó nêu bật kinh nghiệm của các công ty Anh hoạt động tại Việt Nam.
Tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ mạnh mẽ, với dự báo tăng trưởng hàng năm là 6,6% trong thập kỷ tới. Thương mại song phương đang sẵn sàng tăng trưởng hơn nữa khi cả hai nước đang tận dụng hiệu quả UKVFTA và CPTPP.
Thách thức thực sự, nhưng cũng là cơ hội, nằm ở việc Vương quốc Anh có thể hỗ trợ hiệu quả như thế nào cho nhu cầu thị trường đang thay đổi tại Việt Nam. Bằng cách đầu tư sớm vào các lĩnh vực tăng trưởng và thúc đẩy quan hệ đối tác lâu dài, các công ty tại Vương quốc Anh có thể khẳng định mình là những đối tác đáng tin cậy trong hành trình hướng tới phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Ông Denzel Eades nhận định, Việt Nam đang có tiềm năng "khổng lồ" trong ngành năng lượng tái tạo và những chính sách vừa qua của Chính phủ đã phản ánh cam kết mạnh mẽ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. Chủ tịch BritCharm cũng khẳng định Việt Nam đang ở thời điểm "then chốt" trong hành trình chuyển đổi năng lượng và đang sẵn sàng "trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á".