Mở rộng vùng trồng cây chủ lực ở Lạc Dương
Huyện Lạc Dương định hướng phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế có sức cạnh tranh cao, gia tăng giá trị xuất khẩu, phù hợp với điều kiện tự nhiên, ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất và tiêu thụ; tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, huyện Lạc Dương đạt giá trị sản xuất 520 - 600 triệu đồng/ha/năm. Các tỷ lệ sản xuất theo mô hình hợp tác, liên kết trên 60%; nông sản qua sơ chế hơn 90% và chế biến trên 35%; tổn thất sau thu hoạch dưới 10%; diện tích kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha/năm) giảm xuống dưới 2%. Định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung cây rau theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng tổng diện tích canh tác toàn huyện Lạc Dương khoảng 2.600 ha, tương ứng tổng diện tích gieo trồng 8.200 ha, tổng sản lượng 340.000 tấn. Phân bổ tổng diện tích rau sản xuất ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.500 ha, trong đó ít nhất 20 ha nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; 150 ha nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, toàn huyện Lạc Dương có ít nhất 50% diện tích cây trồng chủ lực được cấp mã số vùng trồng, góp phần nâng sản lượng tiêu thụ qua chuỗi trên 60% tổng sản lượng trồng trọt của tỉnh.
Đồng thời với cây hoa đến năm 2030, toàn huyện Lạc Dương phát triển 1.000 ha, tương ứng diện tích gieo trồng 3.000 ha. Trong đó chiếm trên 95% diện tích hoa công nghệ cao; từng bước chuyển sang sử dụng nguồn giống có bản quyền để phát triển thị trường xuất khẩu; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm. Cây cà phê ổn định khoảng 5.000 ha, sản lượng 12.600 tấn/năm. Huyện Lạc Dương tiếp tục xác định cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, thực hiện tái canh trên các diện tích già cỗi, nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp gắn với các mô hình canh tác bền vững, trồng cây che bóng để tăng thu nhập; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu canh tác, vận chuyển, thu hoạch, bảo quản, sơ chế nhằm giảm tổn thất xuống dưới 10% và nâng cao chất với lượng sản phẩm cà phê nhân.
Bên cạnh đó, cây ăn quả chủ lực, huyện Lạc Dương phát triển phù hợp điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng tiểu vùng sinh thái, đảm bảo bền vững và hình thành các vùng nguyên liệu tập trung cây ăn trái đặc sản giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh như: hồng ăn trái, chuối Laba, dâu tây, phúc bồn tử, cam, quýt, mận… Trong đó, áp dụng các tiêu chuẩn bộ, quy chuẩn sản xuất an toàn GlobalGAP, VietGAP khoảng 300 ha; tạo liên kết chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, chế biến gắn xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện Lạc Dương mở rộng 100 ha vùng cây dược liệu dưới tán rừng và trên đất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng. Và các loại cây lương thực như: cây lúa duy trì diện tích canh tác 76 ha, gieo trồng 152 ha, sản lượng 520 tấn tại các khu vực sản xuất truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Cây bắp gieo trồng mới 250 ha, đồng thời duy trì diện tích đất nương rẫy của người dân bản địa…
Theo ngành Nông nghiệp huyện Lạc Dương, phấn đấu đến năm 2030, huyện hoàn thành quy hoạch đầu tư cụm công nghiệp tại Tiểu khu 95, 97, ưu tiên thu hút doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP chế biến nông sản, nhằm đa dạng hóa sản phẩm giá trị trên thị trường. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành mới Trung tâm Sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu sản xuất rau, hoa, cây ăn trái, dược liệu kết hợp xây dựng Trung tâm Logistics nông sản trên địa bàn… Qua đó phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển 30 dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Để đạt và vượt các mục tiêu mở rộng vùng cây trồng nông nghiệp chủ lực đến năm 2030, ở khâu đầu vào, huyện Lạc Dương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công nghiệp chế biến nông sản; công nghệ sinh học trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; nhân rộng mô hình sản xuất đa giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở khâu đầu ra, huyện Lạc Dương tập trung nghiên cứu, dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường nông sản. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới đến các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu…