Tạo động lực cho giáo dục và đào tạo phát triển

Xác định giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định cho sự phát triển con người, chất lượng nguồn nhân lực, Hà Nam đã có chiến lược và chương trình hành động để thúc đẩy GD&ĐT phát triển. Theo đó, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất, đội ngũ và mạng lưới giáo dục. Cùng với đó, có nhiều chính sách phù hợp để huy động sự chung tay của cộng đồng xã hội cho phát triển giáo dục tỉnh nhà.

Phát huy truyền thống giáo dục và điều kiện cụ thể của địa phương

Nhiều năm qua, Hà Nam luôn là tỉnh có chất lượng giáo dục đứng trong top 10 toàn quốc. Phát huy truyền thống hiếu học, văn hiến của quê hương, các thế hệ nhà giáo và học sinh Hà Nam không ngừng nỗ lực, phấn đấu dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện.

Hơn 10 năm qua là giai đoạn Hà Nam cùng với cả nước cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết 29), đưa nghị quyết vào cuộc sống với những điều kiện riêng có của Hà Nam. Bởi, trước khi Nghị quyết 29 được ban hành, tuy điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, nhưng với truyền thống hiếu học, trọng đạo, lãnh đạo tỉnh Hà Nam qua các thời kỳ luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển GD&ĐT, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Theo đó, Hà Nam đã từng bước phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, mạng lưới trường, trạm, điện...; nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân; chăm lo đời sống an sinh xã hội, là điều kiện vững chãi để toàn ngành Giáo dục tích cực chuẩn bị, sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện đổi mới GD&ĐT một cách chủ động, tích cực theo tinh thần Nghị quyết 29. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương; tích cực xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 359/361 cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia.

Giáo dục STEM không chỉ thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán mà còn giúp phát triển năng lực, phẩm chất người học hiện nay.

Giáo dục STEM không chỉ thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán mà còn giúp phát triển năng lực, phẩm chất người học hiện nay.

Để tạo động lực cho phát triển giáo dục, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường, tập trung nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, bảo đảm chi ngân sách nhà nước cho GD&ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục; xây dựng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển thiết chế xã hội học tập và học tập suốt đời... Bình quân mỗi năm, tỉnh đã dành gần 29% tổng ngân sách địa phương (tương đương với trên 2.227 tỷ đồng) để chi cho sự nghiệp GD&ĐT, trong đó bình quân chi cho đầu tư mỗi năm xấp xỉ 500 tỷ đồng. Năm học 2024-2025, tỉnh quyết định miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Trong hơn 10 năm qua, tỉnh đã dành gần 180 tỷ đồng thực hiện các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đổi mới và phát triển dạy nghề; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp..., góp phần quan trọng thúc đẩy phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

“Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trên cơ sở chuẩn hóa đội ngũ, áp dụng chính sách, xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục… đã tạo động lực cho GD&ĐT Hà Nam có những chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng”, ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đã khẳng định như vậy. Thực tế trong nhiều năm qua, việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục được tổ chức thực hiện thường xuyên, bổ sung kịp thời giáo viên các cấp học đủ biên chế được giao hằng năm. Năm 2020, toàn tỉnh tuyển dụng 1.956 viên chức, trong đó có 525 giáo viên hợp đồng được tuyển đặc cách vào viên chức; năm 2022, toàn ngành được tuyển dụng thêm 723 viên chức, gồm 221 giáo viên cho các cấp học và 502 nhân viên.

Để thực hiện tốt các giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT, nhất là triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã có kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo lộ trình. Với những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019 đã được tỉnh cấp kinh phí để tham gia đào tạo. Vì thế, từ năm 2021 đến 2023, toàn tỉnh có 1.008 giáo viên cấp mầm non, tiểu học, THCS được cử đi đào tạo nâng cao trình độ.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Hà Nam là một trong những tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động giáo dục để cải thiện phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy, học tập ở các nhà trường đã được tổ chức thực hiện với nhiều mục tiêu đặt ra. Nhờ sự hỗ trợ của nền tảng số ngày một phong phú, việc dạy và học đã phát huy được vai trò sáng tạo của chủ thể giáo dục, tiếp cận với mục tiêu giáo dục chủ động. Trong đó, giáo dục STEM đã được các nhà trường ứng dụng một cách hiệu quả thông qua việc thành lập các câu lạc bộ STEM, hướng học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học... Đến nay, STEM đã không còn xa lạ với giáo viên, học sinh và phụ huynh nữa; giáo dục STEM giúp người học tiếp cận và khám phá thực tiễn trên cơ sở những nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong từng lĩnh vực.

Với những điều kiện tốt nhất mà tỉnh Hà Nam dành cho GD&ĐT: quy mô, mạng lưới giáo dục phát triển đồng đều giữa các địa phương; cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia đã giúp cho Chỉ số về chất lượng giáo dục phổ thông được giữ vững và nâng cao; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cấp tiểu học đạt 99,98%, cấp THCS đạt 96,63%, cấp THPT đạt 99,7%.

Hướng tới một nền giáo dục tiên tiến

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng, quan điểm về phát triển GD&ĐT của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xác định phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra một động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn; coi giáo dục phổ thông là nền tảng, đào tạo nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá. Cùng với đó, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển GD&ĐT gắn với phát triển khoa học và công nghệ, tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Đồng thời, mở rộng giao lưu hợp tác với các nền giáo dục trong nước và thế giới, nhất là nền giáo dục tiên tiến hiện đại…

Thiết bị dạy học và bàn ghế các phòng học của Trường Tiểu học Liêm Tuyền (Phủ Lý) được đầu tư từ nguồn XHH trên 3 tỷ đồng.

Thiết bị dạy học và bàn ghế các phòng học của Trường Tiểu học Liêm Tuyền (Phủ Lý) được đầu tư từ nguồn XHH trên 3 tỷ đồng.

Theo đó, ngành Giáo dục Hà Nam phải thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng GD&ĐT một cách toàn diện; đa dạng hóa các loại hình GD&ĐT nhằm tăng nguồn lực, mở rộng quy mô và tăng cơ hội giáo dục cho mọi người; ứng dụng công nghệ trong GD&ĐT, coi trọng 3 mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, kết hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, tạo động lực để giáo dục phát huy truyền thống, bồi đắp văn hóa, xây dựng con người Hà Nam giàu trí tuệ, bản lĩnh, yêu nước. Và, mỗi cơ sở giáo dục phải thực sự trở thành "mái nhà hạnh phúc" cho tất cả học sinh và giáo viên, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui... Đó là sự hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, phát triển.

Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và được xác định rõ trong Nghị quyết số 29, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, do đó, ngành Giáo dục Hà Nam phải gắn với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập; khắc phục triệt để bệnh thành tích trong giáo dục, hướng tới một nền giáo dục thực học, thực nghiệp. Đồng thời, coi trọng, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho người học; chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn, năng khiếu, tạo bước chuyển mạnh mẽ và đột phá về chất lượng GD&ĐT, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho địa phương.

Để tiếp tục tạo động lực cho GD&ĐT phát triển, công tác thông tin truyền thông về GD&ĐT cũng cần tăng cường, nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về đổi mới GD&ĐT, dạy nghề trên địa bàn tỉnh; cùng chung tay, góp sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục. Hơn thế, ngành Giáo dục cần tận dụng và khai thác hiệu quả thời cơ, thuận lợi trên cơ sở kế thừa phát huy những thành tựu đã đạt được của ngành; đề xuất những giải pháp khả thi để vượt qua những khó khăn, thách thức lớn của thời đại.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tao-dong-luc-cho-giao-duc-va-dao-tao-phat-trien-145447.html
Zalo