Việt Nam có 9 di sản thế giới danh giá trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO
Đến thời điểm này, Việt Nam có 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Mỗi di sản được UNESCO công nhận không chỉ mang giá trị lịch sử, nghệ thuật mà còn kể những câu chuyện sâu sắc về bản sắc, ký ức và tinh thần nhân loại.

Chùa Đồng Yên Tử, thuộc Quần thể di tích và cảnh quan Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc. (Ảnh: ITN)
Quần thể di tích và cảnh quan Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc: Vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Quần thể di tích và cảnh quan Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam. Đây là di sản liên tỉnh đầu tiên của cả nước, trải dài qua 3 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng.
Từ hàng trăm năm nay, khu vực này đã trở thành trung tâm hành hương Phật giáo lớn, kết hợp hài hòa giữa giá trị tôn giáo, triết lý sống và cảnh quan tự nhiên linh thiêng.

Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: ITN)
Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội: Hoàng Thành Thăng Long được xây dựng vào thế kỷ XI dưới triều nhà Lý ở Việt Nam, đánh dấu nền độc lập của Đại Việt. Nơi đây là trung tâm chính trị và quyền lực của Đại Việt trong suốt 13 thế kỷ, phản ánh nền văn hóa Đông Nam Á đặc sắc nơi Đồng bằng Sông Hồng, cửa ngõ thông thương giữa Trung Hoa cổ đại và Vương quốc cổ Champa. Năm 2010, Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới.

Đô thị cổ Hội An. (Ảnh: ITN)
Đô thị cổ Hội An: Phố cổ Hội An là một ví dụ nổi bật cho một cảng thương mại của Đông Nam Á vào thế kỷ XV tới thế kỷ XIX. Các kiến trúc và đường xá của Hội An phản ánh những nét ảnh hưởng của văn hóa bản địa và ngoại quốc đã tạo nên nét độc đáo cho di sản này. Những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Năm 1999 UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới.

Quần thể danh thắng Tràng An. (Ảnh: ITN)
Quần thể danh thắng Tràng An: Tọa lạc tại phía Nam của Lưu vực sông Hồng, quần thể thắng cảnh gồm các núi đá vôi địa hình các-xtơ xen kẽ các thung lũng và các vách đá dốc. Các cuộc khám phá đã chỉ ra rằng nơi đây xuất hiện chứng tích khảo cổ của loài người cách đây hơn 30.000 năm. Quần thể còn bao gồm chùa, đền thờ, ruộng lúa và các làng nhỏ với diện tích trên 12ha, cùng những di tích lịch sử nổi tiếng gắn với 4 hoàng triều Đinh - Lê - Lý - Trần…
Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên.

Quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh: ITN)
Quần thể di tích Cố đô Huế: Với vai trò là kinh thành của một Việt Nam thống nhất năm 1802, Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo dưới triều nhà Nguyễn cho tới năm 1945. Dòng sông Hương chảy qua kinh thành, cấm cung và nội thành mang lại cho kinh thành một phong cảnh thiên nhiên tuyệt diệu.
Vùng đất này cũng là nơi Phật giáo và Nho giáo hòa quyện vào nhau tạo nên một nền tư tưởng tôn giáo, triết học độc nhất vô nhị. Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào cuối năm 1993.

Thành nhà Hồ. (Ảnh: ITN)
Thành nhà Hồ: Nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.
Năm 2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Khu di tích Chăm Mỹ Sơn. (Ảnh: ITN)
Khu di tích Chăm Mỹ Sơn: Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, TP. Đà Nẵng, bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tân thời và hiện đại, một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa và là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. (Ảnh ITN)
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Kiến tạo các-xtơ được hình thành từ 400 triệu năm trước, từ thời kỳ Đại Cổ Sinh, do đó là các-xtơ cổ nhất ở châu Á. Có diện tích hơn 126ha và có chung đường biên giới với Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno của Lào. Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào năm 2015.

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. (Ảnh: ITN)
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà: Là 1 trong số 8 Di sản thế giới tại Việt Nam được công nhận vào năm 1994. Đây là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên với địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Là một quần thể gồm hơn 1.600 đảo lớn nhỏ, tạo nên một phong cảnh tuyệt đẹp giữa. Ngoài vẻ đẹp kỳ diệu, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà còn sở hữu hệ sinh thái đặc sắc.