Màu mới của thị trường tranh
Các nhà sưu tập gen Z cho biết 55% tác phẩm trong bộ sưu tập của mình đến từ các nghệ sĩ mới
Giới chuyên môn nhận định trong thời gian tới sẽ có sự nở rộ về số lượng nghệ sĩ mới.
Những cuộc trao đổi sáng tạo
Giám tuyển Lý Đợi cho biết: "Các nhà sưu tầm có xu hướng quan tâm đến tác phẩm của các nghệ sĩ mới. Theo khảo sát của UBS và Art Basel, nhà sưu tập có giá trị tài sản ròng cao chi đến 52% ngân sách nghệ thuật của mình cho các tác phẩm của nghệ sĩ mới và mới nổi trong năm 2023 và 2024, tăng tới 8% so với những năm trước đó".
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi số lượng nhà sưu tập trẻ tuổi ngày càng gia tăng. Trong khi những nhà sưu tập thâm niên mang về những tác phẩm của danh họa Việt từ các buổi đấu giá khắp thế giới thì nhà sưu tập trẻ tập trung khám phá các tác phẩm mới, với mức định giá dễ tiếp cận hơn. Nhà nghiên cứu Bùi Hoàng Anh cho biết hiện nay, các doanh nhân thành đạt ngày càng nhiều, nhu cầu về thưởng thức văn hóa nghệ thuật cũng được nâng tầm. Những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu đắt giá của mỹ thuật Việt Nam đều được họ mua và mang về quê hương, góp phần bồi đắp dần thành tựu văn hóa dân tộc. Từ đó, tạo thành một hệ tư tưởng thẩm mỹ; sưu tập trước là cho cá nhân, sau chính là cho quê hương.

Bức tranh lụa “Tâm sự” của Lê Phổ có giá hơn 600.000 USD
Để tạo nên thế mạnh cho chính mình, các gallery mới cỡ trung bắt tay hợp tác thực hiện các triển lãm chung hay gallery chung. Giới chuyên môn nhận định 2025 sẽ là năm của những cuộc trao đổi sáng tạo và hợp tác giữa các gallery cả mới và cũ. Cùng với sự lạc quan về mặt kinh tế, dự báo 2025 sẽ là năm để các nhà đấu giá áp dụng những chiến lược phục hồi, đặc biệt là việc mở rộng ở các thị trường mới như châu Á hay Trung Đông.
Năm 2025 cũng là thời điểm thăng hoa của nghệ thuật khu vực châu Á với sự xuất hiện của hàng loạt "thủ đô nghệ thuật" mới trong khu vực này. Trong đó, nổi bật là Marrakech (Morocco), Mumbai (Ấn Độ) hay Abu Dhabi (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất). Các nhà đấu giá cũng đang áp dụng chiêu thức bán các tác phẩm có giá phải chăng hơn hay tạo điều kiện cho giao dịch cá nhân. Theo Artprice, doanh số bán tác phẩm nghệ thuật có giá trị dưới 10.000 USD chiếm 91% doanh số tại các cuộc đấu giá trong nửa đầu năm 2024.
Bức tranh "Le Trois Femmes" (1934) của danh họa Nguyễn Gia Trí được giao dịch với mức giá 2,07 triệu USD, tại buổi đấu giá "A Quest for Eternity: The Philippe Damas Collection," do nhà đấu giá Christie's Hồng Kông (Trung Quốc), tổ chức ngày 29-3. Bức tranh vượt xa giá dự kiến, tờ HENI News cho biết bức vẽ từng được giao dịch hai lần trong quá khứ.
Gia tăng giá trị của mỹ thuật Đông Dương
Danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993) nằm trong bộ tứ danh họa Trí - Vân - Lân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn) của Việt Nam. Bức tranh "Le Trois Femmes" của Nguyễn Gia Trí nằm ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng 10 bức tranh Việt đắt giá nhất. Trong đó, hạng nhất là bức "Chân dung cô Phương" 3,1 triệu USD của Mai Trung Thứ (2021), vị trí thứ 2 là bức "Gia đình trong vườn" với 2,37 triệu USD (2023) và bức tranh "Dáng hình trong vườn" với mức giá 2,29 triệu USD (2022) đều của Lê Phổ. Giới chuyên gia nhận định, nếu bức tranh được giao dịch trong giai đoạn kinh tế còn tốt thì giá có thể đạt mức 3 triệu USD.

Bức sơn mài “Mẹ và con nằm ngủ ở bìa rừng” của Alix Aymé có giá 267.000 USD. (Ảnh: SOTHEBY’S)
Theo thống kê của HENI News, đối với tác phẩm từ Việt Nam, ngoài bức "Le Trois Femmes" của danh họa Nguyễn Gia Trí còn có tranh của Nguyễn Sáng (bức "Family" - "Gia đình"), Tô Ngọc Vân ("Deux femmes" - "Hai người phụ nữ"), Trần Phúc Duyên ("La prìere" - "Người cầu nguyện"), Lưu Văn Sìn ("Bonzesse" - "Nữ tu Phật giáo"), Vũ Cao Đàm, Lê Phổ... Đánh giá về tranh của các danh họa Việt trên các sàn quốc tế, các chuyên gia dự đoán từ giờ đến năm 2030 sẽ có tranh Việt vượt 5 triệu USD. Tác phẩm "Phụ nữ trong áo blouse trong suốt" của họa sĩ Lê Văn Đệ (1906-1966) vẽ năm 1932, đã được bán với giá 203.000 euro tại phiên đấu giá diễn ra vào ngày 18-2 tại Pháp. Đây là một kết quả bất ngờ và đáng mừng, phản ánh sự gia tăng giá trị của mỹ thuật Đông Dương trên thị trường quốc tế.
Kết quả tổng kết của nhà đấu giá Hồng Kông Sotheby's hồi đầu năm, cho thấy tranh Đông Dương có mức thanh khoản đạt 90% cho nghệ thuật Việt Nam trên các sàn đấu giá thế giới. Trong phiên đấu giá tháng 1-2025 tại Sotheby's Singapore, dòng tranh Đông Dương có tỉ lệ bán 100%.
Theo giám tuyển Ace Lê, dòng tranh Đông Dương vẫn là phân khúc thu hút các nhà đầu tư, nhà sưu tập giống như các năm trước đây và dự đoán vẫn diễn ra trong tương lai gần. "Đó là do các tác phẩm Đông Dương đã trải qua phép thử thời gian với lịch sử giao dịch mạnh"- Ace Lê nói.
Nhà nghiên cứu Bùi Hoàng Anh cho biết: "Sự xuất hiện của tranh Việt Nam trên các sàn đấu giá danh tiếng như Christie's, Sotheby's, Aguttes, Millon, Bonhams và nhiều nhà đấu giá khác... không chỉ giúp nâng cao giá trị của tranh Việt, đưa bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt hiện diện sâu sắc trên diện rộng. Điều đó còn khẳng định vị thế mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới".