Việt Nam chi hơn 10 tỷ USD nhập khẩu thép, doanh nghiệp trong nước lao đao

Mặc dù đứng đầu trong khu vực ASEAN về sản xuất thép, nhưng Việt Nam vẫn chi hơn chục tỷ USD để nhập khẩu thép khiến cho cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn.

Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp đổ bộ về thị trường Việt Nam, chưa dừng lại ở đó gần đây cơ quan chức năng phát hiện các chiêu trò trốn thuế trong nhập khẩu thép. Các chuyên gia lo ngại nếu không xây dựng chính sách hỗ trợ và chính sách chống gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, hàng Việt có thể thua ngay trên sân nhà.

Thép nhập khẩu liên tiếp đổ bộ vào Việt Nam

Thép nhập khẩu liên tiếp đổ bộ về thị trường Việt Nam suốt từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 10, lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt 2,41 triệu tấn với tổng kim ngạch đạt 1,51 tỷ USD, tăng 55,9% về lượng và tăng 41,7% về kim ngạch so với tháng trước.

Tính chung 10 tháng, lượng sắt thép các loại nhập khẩu của cả nước đạt 14,71 triệu tấn với tổng kim ngạch đạt 10,48 tỷ USD, tăng mạnh 38,2% về lượng và tăng 23,2% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.

Xuất hàng thép cuộn cán nóng tại cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất.

Xuất hàng thép cuộn cán nóng tại cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất.

Còn báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất có thể đạt đến 30 triệu tấn trong năm 2024, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân chính là các nhà sản xuất thép gặp khó khăn trong bán hàng do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng và cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn do lượng thép nhập ngoại liên tục tăng trong thời gian qua.

Đại diện Hòa Phát cho biết, trong quý III vừa qua, thị trường thép nhìn chung còn nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, giá bán có xu hướng giảm. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép của Tập đoàn Hòa Phát đạt trên 2 triệu tấn, giảm 7% so với quý II năm nay.

Điều đáng lo ngại của ngành thép Việt là đang có nguy cơ bị mất thị trường nội địa do thép nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi đây là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu thép vào Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 10,16 triệu tấn, kim ngạch đạt 6,37 tỷ USD tăng mạnh 58,9% về lượng (tương ứng tăng 3,77 triệu tấn), tăng 43,2% về kim ngạch (tương ứng tăng 1,92 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023. Kế tiếp đó, Nhật Bản đứng thứ hai với 1,7 triệu tấn, tăng 4,6% (tương ứng tăng 75 nghìn tấn); Hàn Quốc đứng thứ ba đạt 1,05 triệu tấn, tăng 15,3% (tương ứng tăng 139 nghìn tấn). Với tổng lượng 12,91 triệu tấn, 3 thị trường kể trên chiếm tới 87,76% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước.

Làm gì để bảo vệ doanh nghiệp nội địa?

Đáng chú ý, trong tất cả các mặt hàng sắt thép, nhập khẩu thép cuộn cán nóng HRC chiếm kim ngạch và đạt tăng trưởng cao bậc nhất. Hiện, Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm thép cán nóng HRC nhưng chủ yếu chỉ có 2 doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất sản phẩm này với sản lượng chỉ đạt khoảng 8,6 triệu tấn, trong khi nhu cầu thị trường nội địa cần tới hơn 13 triệu tấn. Điển hình, trong trong 9 tháng qua, sản xuất thép cuộn cán nóng HRC tại Hòa Phát đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết, việc sản xuất thép cán nóng HRC trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như là than cốc, quặng sắt. Những yếu tố này khiến không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Trong bối cảnh phải cạnh tranh với thép nhập khẩu, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh liên tục giảm giá bán thép cuộn cán nóng HRC. Tuy nhiên, giá thép nội địa vẫn cao hơn so với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mới đây, Hòa Phát đã điều chỉnh giảm giá thép HRC nội địa khoảng 13 USD/tấn. Theo đó, giá thép HRC loại SAE1006 hoặc SS400 không qua xử lý bề mặt, giao vào tháng 11/2024, được ấn định ở mức khoảng 514 USD/tấn (CFR) tại khu vực miền Nam, chưa bao gồm thuế VAT. Mức giá này tương đương 12,87 triệu đồng/tấn, giảm 430.000 đồng/tấn so với đầu tháng 8. Ở miền Bắc và miền Trung, mức giá tương tự là 12,85 triệu đồng/tấn.

Formosa Hà Tĩnh cũng đã giảm giá bán HRC với mức giảm 17 USD/tấn cho các đơn hàng lớn từ 20.000 tấn trở lên, xuống còn 511 USD/tấn. Đối với các đơn hàng nhỏ hơn từ 500 đến 19.999 tấn, giá được điều chỉnh còn 514 - 520 USD/tấn.

Trong khi đó, thép HRC SAE1006 từ Trung Quốc hiện được chào bán với mức giá 470 - 475 USD/tấn (CFR), thậm chí có lô hàng được chào giá thấp hơn ở mức 468 USD/tấn (CFR).

Trước sự đổ bộ quá lớn của thép nhập khẩu, đặc biệt có sự gia tăng đột biến từ một số thị trường, trong nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất nội địa, ông Phạm Công Thảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho ngành thép. Đặc biệt là các chính sách về phòng vệ thương mại. “Chúng ta cũng đã có một số biện pháp phòng vệ thương mại như phôi thép, thép xây dựng, thép không gỉ, tôn mạ màu… gần đây, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề cần áp dụng phòng vệ thương mại với một số sản phẩm mới và tiếp tục duy trì phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm như thép không gỉ”, ông Thảo cho biết.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, thép là ngành công nghiệp nền tảng. Do đó, về lâu dài, Việt Nam cần đẩy mạnh khuyến khích đầu tư vào sản xuất thép HRC trong nước. "Chúng ta cần có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn nữa để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh với các đối thủ", ông Hiếu nhấn mạnh.

Tại họp báo quý III vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết dự kiến tháng 12 sẽ có kết quả điều tra sơ bộ chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC.

Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành một số công văn hướng dẫn, chấn chỉnh Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát gian lận trong khai báo tên hàng, mã số, trong đó có nhiều văn bản cảnh báo rủi ro đối với mặt hàng sắt, thép nhập khẩu.

Tuy nhiên, cơ quan này tiếp tục nhận được một số thông tin cảnh báo hành vi khai sai tên hàng, chủng loại, mã số mặt hàng thép nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và các loại thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá.

Để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm trong khai tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát đối với các lô hàng thép nhập khẩu trên cơ sở quản lý rủi ro để lựa chọn các lô hàng/tờ khai trọng điểm, thực hiện kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/viet-nam-chi-hon-10-ty-usd-nhap-khau-thep-doanh-nghiep-trong-nuoc-lao-dao-1103783.html
Zalo