Việt Nam chi gần 1,8 tỷ USD nhập khẩu thịt

Việt Nam xuất khẩu 24.500 tấn thịt, thu 117 triệu USD trong năm ngoái, nhưng đã chi gần 1,8 tỷ USD để nhập khẩu các loại thịt, phụ phẩm từ thịt. Nhập siêu trong ngành này lên tới 1,66 tỷ USD.

Việt Nam chi gần 1,8 tỷ USD nhập khẩu thịt và phụ phẩm từ thịt trong năm 2024, tăng 18,1% so với năm 2023.

Việt Nam chi gần 1,8 tỷ USD nhập khẩu thịt và phụ phẩm từ thịt trong năm 2024, tăng 18,1% so với năm 2023.

Chi nhập khẩu thịt và các loại phụ phẩm từ thịt của Việt Nam trong năm 2024 tiếp đà tăng mạnh. Bản tin Thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 876.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,78 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2023

Ở chiều ngược lại, cả nước đã xuất khẩu 24.500 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 117 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 6,1% về trị giá so với năm 2023.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu ngành thịt cán mốc gần 1,9 tỷ USD, nhập siêu lên tới 1,66 tỷ USD.

Năm 2024, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu tới 37 thị trường, trong đó Hồng Kông vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 50,65% về lượng và chiếm 59,59% về trị giá trong tổng xuất khẩu, xấp xỉ 12,3 nghìn tấn, trị giá 69,73 triệu USD, tăng 27,6% về lượng và tăng 16,1% về trị giá so với năm 2023.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh sang Hồng Kông.

Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt tới một số thị trường đạt mức tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với năm 2023 như: Bỉ, Pháp, Lào, Singapore... Tuy nhiên, xuất khẩu giảm cả về lượng và trị giá tới một số thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc…

Chủng loại thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 39,15% về lượng và chiếm 50,32% về trị giá; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 28,91% về lượng và chiếm 25,76% về trị giá; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm 28,95% về lượng và chiếm 21,99% về trị giá...

Việt Nam nhập khẩu thịt nhiều nhất từ Ấn Độ, chiếm 22,14% trong tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước, với 194,06 nghìn tấn, trị giá 645 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 23% về trị giá so với năm 2023.

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ nhiều thị trường trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với năm 2023 như: Hoa Kỳ, Ba Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Hồng Kông, I-ran, Ý, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ... Tuy nhiên, nhập khẩu giảm từ một số thị trường lớn như: Nga, Brazil, Tây Ban Nha.

Năm vừa qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các chủng loại thịt gồm: thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, lượng nhập khẩu các chủng loại đều tăng, trừ nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2023.

Nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam năm 2024 đạt 109 nghìn tấn, với trị giá 257,3 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với năm 2023.

Giá trung bình nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh về Việt Nam ở mức 2.338 USD/tấn, giảm 3,7% so với năm 2023.

Tổng cộng, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn khoảng 43 thị trường trên thế giới, trong đó Brazil cung cấp 39,95% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước; Nga cung cấp 30,33%; Canada 6,35%, Đức 6,04%, Hà Lan 3,89%, các thị trường khác cung cấp 13,45%.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-chi-gan-18-ty-usd-nhap-khau-thit-d245171.html
Zalo