Việt Nam cần trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển

Đó là mục tiêu đề ra của Quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo.

Theo quy hoạch, các vùng đất ven biển và các hải đảo sẽ được phân chia thành 4 vùng kinh tế - xã hội: Vùng phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; Vùng Đông Nam Bộ, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM; Vùng Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang.

Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế biển xanh và bảo đảm sự hài hòa giữa các hoạt động trên đất liền và dưới biển, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trên các vùng đất ven biển sẽ được ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến hành lang đường bộ cao tốc, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển.

Mục tiêu là tạo đà và động lực thúc đẩy các ngành kinh tế biển, kết nối vùng ven biển với các hải đảo, vùng kinh tế trọng điểm và cửa khẩu quốc tế.

Việc lấn biển sẽ được thực hiện ở những khu vực thích hợp, không làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa - lịch sử tại vùng bờ, nhằm tăng thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố ven biển.

Theo quy hoạch, khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, tầm cỡ quốc tế, dẫn đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng. Khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình cũng sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững kinh tế biển.

Cần tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, đặc biệt là các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển và các tuyến kết nối cảng biển với quốc lộ và cao tốc. Cần nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt mới kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái với Hà Nội.

Các đô thị và điểm dân cư ven biển sẽ được phát triển theo hướng hình thành chuỗi đô thị ven biển, gắn với phát triển kinh tế biển, và kết nối chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển.

Về các ngành kinh tế ưu tiên: Hình thành các khu du lịch quốc tế cao cấp ở Quảng Ninh (Vân Đồn, vịnh Hạ Long), phát triển Quảng Ninh thành trung tâm du lịch quốc gia, kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn trong khu vực và thế giới.

Liên kết phát triển vùng du lịch Cát Bà - vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển - đảo có tầm quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát triển cảng biển quốc tế, vận tải biển viễn dương và trong nước, dịch vụ hàng hải, logistics đa phương thức với trung tâm là cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh.

Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và Lào, có khả năng phát triển mạnh mẽ, bền vững về kinh tế biển, với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, thân thiện với môi trường và khả năng chống chịu cao với thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp và khu công nghệ cao Đà Nẵng, cũng như các cảng hàng không và cảng biển.

Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng, nghiên cứu đầu tư và nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển.

Đặc biệt, cần tập trung phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, như các cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Theo quy hoạch, các địa phương cần tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, đặc biệt là các ngành như du lịch biển, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, chế biến dầu khí, nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, và các ngành kinh tế biển mới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có.

Vùng đất ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM trung tâm kinh tế biển mạnh tầm cỡ quốc tế, với các ngành ưu tiên như cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, và các ngành công nghiệp chế biến thủy sản.

Phát triển các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao sẽ được phát triển, đặc biệt theo hướng đô thị xanh.

Các dự án đầu tư hạ tầng sẽ chú trọng hoàn thiện hệ thống đường ven biển, xây dựng cảng biển Cái Mép - Thị Vải - Sao Mai - Bến Đình, và liên kết với cảng biển TP.HCM. Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải sẽ được phát triển thành cảng trung chuyển lớn khu vực châu Á và quốc tế.

Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ: Cần phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Ngành nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá hiện đại sẽ được đẩy mạnh để phục vụ khai thác xa bờ. Cùng với đó, phát triển du lịch sinh thái và các biện pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Về hạ tầng: Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. Cần khai thác tốt các cảng biển, đặc biệt là khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng), được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đóng vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển các ngành kinh tế ưu tiên: Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí và năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản tại khu vực ven biển theo hướng hiện đại và bền vững. Các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và tái tạo nguồn lợi thủy sản sẽ được phát triển mạnh mẽ.

Phân vùng khai thác tài nguyên biển ven bờ: Việc phân vùng khai thác và sử dụng tài nguyên biển ven bờ sẽ được thực hiện dựa trên chức năng của các khu vực và nguyên tắc xử lý chồng lấn theo thứ tự ưu tiên. Các yêu cầu ưu tiên bao gồm quốc phòng, bảo vệ các hệ sinh thái biển, và phát triển kinh tế.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thứ tự ưu tiên dựa trên phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 6 giải pháp chính: Nghiên cứu và thể chế hóa các chủ trương của Đảng và pháp luật về biển; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát triển kinh tế biển xanh bền vững; cải tiến công tác quản lý tài nguyên biển; phối hợp với các địa phương; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-can-tro-thanh-quoc-gia-manh-ve-bien-giau-tu-bien-d232619.html
Zalo