Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện trong 10 năm tới

Tham vọng của quy hoạch phát triển nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ở mức hai con số trong thời gian tới, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo...

Trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được chính phủ phê duyệt ngày 15.4.2025, ước tính Việt Nam cần nguồn vốn kế hoạch và định hướng lên đến 266,3 tỷ USD để phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải trong 10 năm tới. Đây là nhu cầu vốn rất lớn, với khoảng 136 tỷ USD cho giai đoạn 2026-2030 và 130 tỷ USD cho giai đoạn 2031-2035, theo QHĐ 8 điều chỉnh.

Nguồn vốn dự tính này nhằm đáp ứng mục tiêu công suất điện rất tham vọng của QHĐ 8 điều chỉnh. Nhằm “Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050”, trích từ QHĐ 8 được phê duyệt.

Kho cảng LNG 1 MMTPA Thị Vải - nơi nhập khẩu nguồn khí cung cấp cho an ninh năng lượng và ngành điện tại Việt Nam. Ảnh: PVGAS

Kho cảng LNG 1 MMTPA Thị Vải - nơi nhập khẩu nguồn khí cung cấp cho an ninh năng lượng và ngành điện tại Việt Nam. Ảnh: PVGAS

Bộ phận nghiên cứu của VNDirect chỉ ra, theo QHĐ 8 điều chỉnh, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến đạt 650- 624 tỷ kWh đến năm 2030, cao hơn so với năm 2024 từ 82-102%. Mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho mức tăng trưởng GDP bình quân 10% trong giai đoạn 2026-2030.

Để đạt được mục tiêu này, mục tiêu tổng công suất điện đến năm 2030 dự kiến đạt 183-236 GW, tăng 122%-187% so với năm 2024 và tăng 16-49% so với QHĐ 8 trước khi điều chỉnh.

Ngoài ra, hệ thống lưới điện sẽ được đầu tư để đảm bảo năng lực truyền tải điện, như xây dựng mới 12.944km đường dây truyền tải và cải tạo 1.404km đường dây 500kV.

Với cam kết NetZero vào năm 2050, Việt Nam sẽ hạn chế phát triển nguồn điện than mà “chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030”, “thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối/amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp” và “dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.”

Trong khi mục tiêu công suất thủy điện, điện than và điện khí vẫn giữ nguyên, mục tiêu công suất năng lượng tái tạo (NLTT) đến năm 2030 được nâng thêm 50%-130% so với QHĐ 8 trước đó và cao hơn 3,4-5,2 lần so với công suất năm 2024. Công suất điện mặt trời được điều chỉnh tăng mạnh nhất, tăng 2,3-3,6 lần so với QHĐ 8 trước đó, và công suất gió cũng được điều chỉnh tăng 1,2-1,7 lần.

Như vậy, điện khí, gồm cả LNG, dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng là nguồn điện nền cho toàn hệ thống. Điện hạt nhân đã được bổ sung vào kế hoạch với mục tiêu vận hành 4-6,4 GW trong 2030-2035 và chuyển thời điểm vận hành điện gió ngoài khơi sang 2030-2035 với mục tiêu sản xuất từ 6-17 GW.

Nhiều nhà quan sát và phân tích cho rằng, do nguồn lực công có hạn, Việt Nam sẽ huy động khu vực tư nhân tham gia tích cực vào ngành trong giai đoạn tới, đặc biệt thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực NLTT.

“Hiện Việt Nam vẫn cần các cơ chế và khung pháp lý rõ ràng, phù hợp và nhất quán từ các cơ quan chức năng để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn điện, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực NLTT”, ông Nguyễn Ngọc Hải, chuyên viên phân tích ngành điện của VNDirect cho hay.

Trong Sách Trắng 2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) công bố ngày 11.4 vừa qua có nhận định, Việt Nam vẫn còn đối đầu với nhiều thách thức trong việc phát triển nguồn điện bền vững, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Việt Nam đã thông qua luật Điện lực (sửa đổi) vào năm 2024, mặc dù có nhiều cải thiện, nhưng nhìn chung, khối doanh nghiệp tư nhân doanh nghiệp có vốn nước ngoài, muốn tham gia vào ngành sản xuất năng lượng, đặc biệt là khu vực dịch vụ phụ trợ, vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo EuroCham, nhiều thách thức cần giải quyết sớm, trong đó có sự mơ hồ trong định nghĩa năng lượng tái tạo, thủ tục cấp phép phức tạp, thách thức về kết nối lưới điện, cấu trúc giá điện chưa ổn định, khó khăn trong thu hồi đất, chậm trễ phê duyệt giấy phép môi trường, hay cơ chế giải quyết tranh chấp thiếu các quy định rõ ràng.

Lan Chi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/viet-nam-can-hon-266-ty-usd-dau-tu-vao-nganh-dien-trong-10-nam-toi-47915.html
Zalo