Việt Nam-Campuchia: Luôn sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước đã phản ánh rõ quan hệ gần gũi Việt Nam-Campuchia, góp phần quan trọng vào việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.
Sự đón tiếp trọng thị
Ấn tượng về tình đoàn kết láng giềng hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia được thể hiện mạnh mẽ ngay từ khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt chân đến Sân bay quốc tế Phnom Penh, thủ đô Phnom Penh.
Sân bay hôm đó là màu cờ của hai nước và nổi bật là những tấm ảnh pano khổ lớn chân dung Quốc vương Norodom Sihamoni và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Kèm theo là dòng chữ song ngữ Việt Nam - Campuchia: “Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp nhà nước tới Campuchia; Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia muôn năm”.
Ngay sau đó là Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung ở thủ đô Phnom Penh. Đông đảo người dân, các em thiếu nhi Campuchia đứng hai bên đường đón chào Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao nước ta.
Qua những hình ảnh về Lễ đón, có thể cảm nhận rõ ràng sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, ấm áp và thắm tình hữu nghị mà chính quyền và người dân Campuchia dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Vương quốc Campuchia trong năm nay.
Chuyến thăm càng đặc biệt ý nghĩa khi là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam tới Campuchia sau khi bộ máy lãnh đạo cấp cao được kiện toàn sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cũng là hoạt động đối ngoại quan trọng chào mừng năm 2022 - năm kỷ niệm 55 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022).
Không ngừng củng cố quan hệ
Trong chuyến thăm hai ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp xúc, trao đổi với các lãnh đạo cấp cao Campuchia gồm Quốc vương Norodom Sihamoni, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, Phó Thủ tướng Men Sam An và chứng kiến lễ ký, trao đổi văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đều nhấn mạnh tình đoàn kết giữa hai dân tộc đã được cố Quốc vương Norodom Sihanuk và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Trong những năm qua, tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố thông qua các tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên dưới nhiều hình thức; các cơ chế hợp tác song phương được duy trì và phát huy hiệu quả; hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước ngày càng gắn bó, đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời giữa hai nước trong ứng phó với đại dịch Covid-19, đã thể hiện sinh động truyền thống đùm bọc, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn giữa hai dân tộc.
Các nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy bất chấp bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hợp tác giữa hai nước vẫn giữ được đà phát triển tích cực trên tất cả các kênh và trong tất cả lĩnh vực. Trong đó, thương mại và đầu tư là điểm sáng.
Trong 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 8,632 tỷ USD, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam có thêm 4 dự án mới tại Campuchia với vốn đăng ký gần 90 triệu USD, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước và đưa tổng số dự án đầu tư của Việt Nam còn hiệu lực tại Campuchia lên 188 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 2,85 tỷ USD, giúp Việt Nam trở thành nước ASEAN có đầu tư lớn nhất tại Campuchia.
Ngoài ra, hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo hai bên khẳng định quyết tâm không ngừng củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước; dành ưu tiên cao nhất và làm hết sức mình vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam ngày càng đơm hoa kết trái.
Thông điệp cùng phát triển
Diễn ra trong bối cảnh hai nước đã kiểm soát tốt đại dịch và đang hướng tới phục hồi kinh tế, phát triển bền vững hậu Covid-19, chuyến thăm của Chủ tịch nước là thông điệp thống nhất về tầm nhìn chung, cùng hợp tác, cùng phát triển giữa Việt Nam và Campuchia vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Với tầm nhìn đó, nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung, thể hiện thống nhất cao về các phương hướng tăng cường hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
Lấy điểm nhấn là lĩnh vực hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, bao gồm cả kết nối cứng và kết nối mềm, nhất là giao thông vận tải, viễn thông, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, năng lượng và hợp tác giữa các địa phương; đặc biệt là hợp tác giữa các tỉnh giáp biên giới.
Hai bên khẳng định ủng hộ nỗ lực sớm hoàn thành “Quy hoạch tổng thể Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030”; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; phối hợp thực hiện thông suốt mô hình thông quan phòng dịch cho phương tiện và hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và đường thủy; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chợ biên giới tại khu vực các tỉnh giáp biên.
Cùng với đó, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, tư pháp, nông - lâm - ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường...; thúc đẩy đàm phán tiến tới công nhận lẫn nhau về Hộ chiếu vaccine/Giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19; tăng cường giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân.
Xuyên suốt các nội dung thảo luận của chuyến thăm là sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước trên cơ sở cùng có lợi nhằm tăng cường hơn nữa đầu tư song phương.
Bằng chứng là nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã cùng nhau chứng kiến Lễ ký kết và trao bảy văn kiện hợp tác giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành hai nước, cùng nhiều hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai bên, trong đó có Biên bản Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia và các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biên giới, thương mại, giáo dục và tư pháp.
Trong bối cảnh nhiều hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng sẽ diễn ra tại Campuchia trong thời gian tới như bầu cử Quốc hội năm 2023 và năm Campuchia là Chủ tịch ASEAN 2022, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ, sự tin cậy và đồng hành của Việt Nam đối với quốc gia láng giềng, sự đoàn kết, thống nhất quan điểm của lãnh đạo hai nước.
Với thông điệp đầy ý nghĩa và tình đoàn kết hữu nghị, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia đã trở thành sự kiện quan trọng mở màn cho “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022”, góp phần tiếp tục đưa quan hệ quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả.
Điều này cũng được Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth nhấn mạnh: “Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định rằng, Campuchia-Việt Nam luôn sát cánh và hỗ trợ lẫn nhau”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 22/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện với nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Campuchia.
Chủ tịch nước mong muốn bà con Việt kiều tại Campuchia cần tiếp tục thắt chặt tình đoàn kết; mở rộng việc dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng; nỗ lực duy trì, xây dựng và vun đắp cho mối quan hệ giữa hai dân tộc hai nước ngày càng bền chặt, tốt đẹp hơn, xứng đáng với những hy sinh, đóng góp mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.