Việt Nam - Belarus: Nhiều dư địa trong hợp tác thương mại
Trong năm 2025, Việt Nam - Belarus sẽ tiếp tục phát triển FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Doanh nghiệp Belarus giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Belarus, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Marketing quốc gia Belarus (trực thuộc Bộ Ngoại giao Belarus) và Đại sứ quán nước Cộng hòa Belarus tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Belarus tại thành phố Hà Nội vào chiều 2/4/2025.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo 2025), góp phần nâng cao vị thế của Vietnam Expo như một nền tảng hợp tác quốc tế quan trọng. Diễn đàn không chỉ củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia mà còn tạo động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại sâu rộng hơn nữa.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, mặc dù năm 2024 đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng so với tiềm năng sẵn có, hai nước còn rất nhiều dư địa để mở rộng hợp tác, tận dụng tối đa những lợi thế mà hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Để đưa quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Belarus phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa, việc tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư là hết sức cần thiết như hội chợ triển lãm, diễn đàn, hội thảo chuyên đề, kết nối giao thương chính là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ký kết hợp tác doanh nghiệp hai nước. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Với vai trò là cơ quan đầu mối, Cục Xúc tiến thương mại cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại của Belarus để triển khai đa dạng các hoạt động thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường và mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ hai nước cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giao thương và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Theo ông Vũ Bá Phú, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Belarus không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, mà còn là nền tảng để trao đổi những sáng kiến mới, góp phần định hướng chiến lược hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Belarus trong giai đoạn tiếp theo.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Cộng hòa Belarus Anatoly Sivak nhấn mạnh, hai nước đã cùng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, từ chiến tranh đến giai đoạn tái thiết và phát triển. Hiện nay, hai nước duy trì quan hệ đối tác kinh tế - xã hội chặt chẽ trên nền tảng hợp tác bền vững.
"Phía Belarus nhận thấy tiềm năng hợp tác lớn với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vaccine, dược phẩm và thiết bị y tế. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể xuất khẩu linh kiện điện tử sang Belarus, góp phần đa dạng hóa thương mại song phương", Phó Thủ tướng Anatoly Sivak khẳng định.
Đáng chú ý, Belarus đặc biệt quan tâm đến hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp hai quốc gia đáp ứng nhu cầu nội bộ mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đáng lưu ý, an ninh công nghệ ngày càng trở thành yếu tố quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc củng cố nền độc lập và tự chủ của mỗi quốc gia. Do đó, hai nước cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này để đảm bảo sự phát triển bền vững.
"Tôi mong rằng, trong năm 2025, hai nước sẽ tiếp tục phát triển FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu nội bộ của hai quốc gia mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp hai nước giao lưu, hợp tác. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Thống kê cho thấy, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 59,7 triệu USD, tăng gần 45% so với năm 2023. Việt Nam xuất khẩu sang Belarus các mặt hàng chủ lực như thủy sản, rau quả, hạt điều, cao su, máy móc, thiết bị điện tử và linh kiện, trong khi nhập khẩu phân bón, hóa chất, linh kiện, phụ tùng, sữa và dược phẩm từ Belarus.
Ông Pavel Pigal – Trưởng phòng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại, Trung tâm Marketing Quốc gia Belarus chia sẻ, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA không chỉ giúp gia tăng trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam và Belarus mà còn tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng quan hệ với toàn bộ khu vực EAEU.
Với hệ thống thuế quan đơn lẻ áp dụng trên toàn bộ EAEU, doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thị trường lớn như Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia. Ngoài ra, Belarus còn duy trì một nền tảng pháp lý ổn định, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp tránh được những trở ngại về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn chất lượng khi xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này.
Theo số liệu từ năm 2024, nền kinh tế Belarus đang duy trì xu hướng tích cực với tổng kim ngạch thương mại đạt 83,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước. Điều này cho thấy Belarus không chỉ ổn định mà còn có tiềm năng tăng trưởng cao. Hơn nữa, Belarus sở hữu ngành công nghiệp phát triển mạnh, chiếm hơn 90% hàng hóa xuất khẩu của quốc gia. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm máy móc nông nghiệp, thiết bị cơ khí, thực phẩm, công nghiệp hóa dầu và luyện kim. Đặc biệt, ngành cơ khí với các sản phẩm từ Nhà máy ô tô Minsk và Nhà máy máy kéo Minsk được đánh giá cao trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, ngành công nghiệp thực phẩm cũng rất phát triển với hơn 1.200 loại sản phẩm thịt được xuất khẩu đến hơn 110 quốc gia. Belarus là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Đây là lĩnh vực tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Belarus còn là một trong những nhà sản xuất phân kali hàng đầu thế giới, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Với nhu cầu sử dụng phân bón trong nông nghiệp Việt Nam ngày càng lớn, đây là một cơ hội hợp tác quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành phân bón, hóa chất có thể khai thác.

Doanh nghiệp hai nước giao lưu, hợp tác. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Một điểm nhấn khác là các khu kinh tế tự do của Belarus, nơi áp dụng nhiều ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm miễn thuế thu nhập, thuế bất động sản, thuế đất đai và thuế hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí và tạo động lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Belarus.
Với quy mô dân số khoảng 10 triệu người, Belarus không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mà còn là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu. Dự báo, tổng tiềm năng xuất khẩu của Belarus vào Việt Nam đạt khoảng 43 triệu USD, tập trung vào các sản phẩm như thịt gia cầm, sữa bột, sản phẩm chế biến gỗ, dầu đậu nành, chất dẫn điện và dược phẩm.
Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Belarus hiện nằm trong top 25 quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, với hơn 1 triệu mét khối gỗ được khai thác trong năm 2024. Đây là một nguồn cung ổn định cho ngành nội thất và xây dựng tại Việt Nam, đồng thời giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Hơn nữa, ngành xuất khẩu thực phẩm của Belarus cũng rất mạnh, đặc biệt là thịt và sữa. Với sản lượng xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước…
Về phía Việt Nam, bà Vũ Minh Mai Hương - Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã bày tỏ sự quan tâm về vấn đề phát triển công nghiệp và chia sẻ về tư duy và cách tiếp cận mới về phát triển công nghiệp Việt Nam.
“Việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ giúp Việt Nam gia tăng giá trị gia tăng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế”, bà Vũ Minh Mai Hương bày tỏ.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang chú trọng phát triển công nghiệp chế tạo và nâng cao năng lực sản xuất trong nước, việc tìm kiếm đối tác quốc tế có nền công nghiệp tiên tiến trở thành một hướng đi chiến lược, góp phần quan trọng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.