Viết cho chàng trai bé bỏng của bố!

Mỗi tuần chỉ có hơn một ngày con được gần bố. Thế nhưng, con đừng buồn con nhé, vì tất cả những điều bố đang làm, cả việc xa con, đều là vì con, con à...

Lặng lẽ sắp xếp đồ đạc, lấy quần áo, vật dụng cho vào chiếc ba lô dùng từ khi mới tốt nghiệp đại học rồi đi làm, bố chuẩn bị xa nhà, xa con, xa ông bà, xa ngôi nhà với mấy cái ban công có “view đắt giá” là vườn rau xanh của bà nội trồng, bố lại ra Hà Nội bắt đầu một tuần làm việc mới.

Thế nhưng, dù đã âm thầm, nhẹ nhàng và lựa những khi con đang chơi với các anh chị nhà bác hay chăm chú xem một bộ phim hoạt hình nào đó trên chiếc tivi có tuổi thọ 13 năm, được mua vào dịp bác gái của con lên xe hoa về nhà chồng. Dù chưa tròn 3 tuổi, bằng một cách nào đó, con vẫn phát hiện ra rằng: Bố chuẩn bị xa nhà, xa con những ngày sắp tới.

Những khi ấy, có lần con chạy ra, ôm vào người bố, rúc đầu, rúc cái má phúng phính bên phải của con vào cổ bố, tay ôm chặt, rồi gọi: “Bố Hải ơi, Bố Hải ơi… gọi liên tiếp, đến khi nghe được bố nói: “Bố đây con”. Khi đó, con mới thôi không gọi nữa, dù hai tay vẫn ôm chặt cổ bố. Ôm chặt đến mức để bố cảm thấy như con đang dùng hết sức để tay không bị tuột khỏi cổ bố.

Lần khác, có lẽ không gấp, con chạy ra góc cửa, tự lấy tất, giày đi vào chân, ra cửa nhà, đứng cạnh bố vừa đeo balo lên, quay lại vẫy tay chào ông bà, xong rồi nắm lấy bàn tay trái của bố, như thể sẵn sàng cùng bố lên đường. Cũng có lần con ốm, vì mệt, vì sốt mà nằm một chỗ xem ti vi, ngoan lắm, chẳng quấy bố hay ông bà, thế nhưng, khi thấy bố đeo balo lên, con liền vùng dậy, chạy ra ôm chân bố, vừa khóc, vừa gọi “Bố Hải, bố Hải…”, nghe mà xót lòng…

Bố đi làm việc ở Thủ đô đắt đỏ, chẳng có nhiều tiền để mua được xe, nhà cũng chưa có, vẫn đang thuê tạm một căn hộ tập thể cũ, chuột có, gián cũng không thiếu. Dù mọi tiện ích khá hiện đại nếu so sánh với mặt bằng chung của 50 năm trước. Còn giờ, căn tập thể này lại rất phù hợp với thu nhập của bố...

Hai cha con. (Ảnh: Gia Hải)

Hai cha con. (Ảnh: Gia Hải)

Tối chủ nhật nào nước mắt con cũng rơi bởi con phải khóc, con khóc vì không muốn xa bố, con khóc bởi vì sao cái mong muốn chính đáng của mình là bên bố, dù con rất ngoan, con rất vâng lời rồi, mà sao… vẫn chẳng được?

Con à, bố cũng vậy, chẳng muốn xa con đâu và bố còn muốn ở bên con trai của mình nhiều hơn bất kì ai trên cuộc đời này. Thế nhưng, cũng bởi vì, bố chẳng muốn con phải giống như bố ngày xưa.

Bố ngày xưa, mới lớp 3 đã theo ông bà ra trang trại giữa cánh đồng nuôi cá, canh tác. Hàng ngày, từ 5h30 sáng phải đi bộ hơn 3km để đến trường đi học. Bố còn vào nhà một người bạn gọi nó đi học, suốt chặng đường đi, dù nhỏ bé hơn nó vẫn xách hộ nó cặp xách để khi đến gần cổng trường, nó mua ba cái bánh rán, nó ăn hai cái, cho bố một cái. Đó là bữa sáng của bố và là “công xách cặp” nó trả bố.

Bố ngày xưa cũng từng giữa đêm giông bão, sấm chớp đùng đùng chạy khắp cánh đồng lúa, mặc kệ nước mưa táp vào rát mặt, mắt cay xè để đi tìm đàn vịt vì bão làm đổ chuồng, vịt chạy ra ngoài mất. Khi đó bố nhớ, bố chẳng sợ mưa bão, cũng chẳng sợ sấm chớp, những thứ mà giờ bố sợ nhất, khi ấy, bố chỉ sợ mất đàn vịt, sợ ông nội con đánh đòn.

Sau này, khi lên trung học, bố cũng đã mò cua, bắt ốc, đánh cá, bẫy lươn cùng ông bà. Cũng nhiều ngày mùa hè sáng đi học, chiều về lội sông đánh bắt tôm tép để bà nội mang ra chợ bán, lấy tiền tối đi học thêm.

Bao nhiêu năm học ở quê, chẳng năm học nào bố đóng tiền học phí mà không muộn nhất nhì lớp cả vì ông bà nội làm ăn chẳng thuận, nhà không còn tiền con à.

Khi lên đại học, bố cũng thấy mình “đa năng” lắm, vì việc gì, nghề gì, từ làm bảo vệ ở rạp chiếu phim đến trông xe cho 1 quán cà phê, bố đều làm được. Miễn là có lương, có tiền, dù ít ỏi nhưng đủ ăn, đủ đóng tiền phòng trọ, trang trải qua quãng đời sinh viên.

Đầu năm 2014, khi tai vạ ập đến, ông bà nội phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ, bố ở Hà Nội không thể về nhà vì không có tiền mua vé xe về, tiền ăn không có, tiền học thì chậm, phòng trọ cũng trễ hạn thanh toán 2 tháng.

Hồi đó, quần áo, sách vở, đồ dùng của bố được vận chuyển từ phòng trọ đến quán cơm ở cổng sau trường đại học. Suốt 6 tháng trước khi tốt nghiệp, ngày bố nấu ăn, rửa bát, lau dọn cho quán cơm, đêm bố chui gầm bàn để ôn thi, mãi đến khi tốt nghiệp rồi 10 năm sau cho đến tận bây giờ, bố chẳng ngờ là mình đã vượt qua được quãng thời gian đáng nhớ đó…

Còn nhiều, còn nhiều câu chuyện về những thứ, những điều mà bố đã nếm trải mà bố muốn nói với con. Để sau này, lớn hơn chút, con sẽ hiểu… Bởi bố chẳng muốn, bố cũng không bao giờ để việc đó xảy ra, đó là: con phải trải qua những gì bố từng trải qua.

Con, ít ngày nữa sẽ tròn 3 tuổi, cái tuổi học ăn, học nói, cái tuổi bi bô gọi cha, gọi mẹ, gọi ông, gọi bà... Rồi sau này con sẽ không phải đi bộ đi học từ sáng sớm tinh mơ, không phải xách cặp cho bạn trên đường đến trường để có cái bánh lót dạ. Cũng chẳng phải chạy dưới trời mưa sấm chớp hay phải tủi hổ với cô giáo, với bạn bè vì chưa có tiền đóng học. Dù rằng mới hôm qua, bố bị sốt cao nhưng vẫn đi làm sau khi uống vội viên thuốc hạ sốt. Đêm về lại cặm cụi làm việc, có nhức đầu, có chóng mặt, có mệt mỏi nhưng bố biết, mỗi giây phút bố cố gắng sẽ rút ngắn lại quãng đường con đến trường, để mình không phải bịn rịn mỗi cuối tuần...

Bố cũng muốn là một người cha thông thái để chia sẻ, để cho con những lời khuyên hữu ích nhất khi con đứng trước ngã ba cuộc đời mà chẳng mù mờ như xưa - bố cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học ra đời mà bỡ ngỡ, ngẩn ngơ chẳng biết làm gì.

Thế nên, bố cần cố gắng hơn nữa, cần tạm gác lại mong muốn gần con hàng ngày, cần cống hiến cho công việc, cần tận tâm chờ ngày “cam lai”.

Để sau này, con lớn hơn chút nữa, bố có thể ngày đi làm, tối đưa con đi chơi, đêm về nằm ôm con ngủ và nói với con rằng: Con hãy cứ sống để trở thành một người đàn ông đích thực, điều gì cần thiết mà con cần, bố đều có.

Vậy nên, con à, tạm thời, con hãy ở bên ông bà như ngày xưa bố ở bên bố mẹ. Và cho phép bố không thường xuyên ở bên con, vì con, chàng trai bé bỏng của bố nhé!

Gia Hải

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viet-cho-chang-trai-be-bong-cua-bo-post536831.html
Zalo