'Viên ngọc quý' trong thành phố sáng tạo

Hà Nội tự hào sở hữu những kiến trúc cổ kính, là minh chứng sống động cho lịch sử hào hùng của Thủ đô. Việc tái tạo sức sống cho các di sản này sẽ đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo.

Tái tạo sức sống di sản kiến trúc

Những ngày vừa qua, tòa nhà Đại học Tổng hợp (cũ) - số 19 Lê Thánh Tông, trở thành điểm thu hút đông đảo công chúng trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, đặc biệt là giới trẻ. Họ tới đây để tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc và nghệ thuật trong đại triển lãm Cảm thức Đông Dương. Theo thống kê, trung bình điểm di sản này tiếp đón khoảng 8.000 khách/ngày.

Không chỉ tòa nhà Đại học Tổng hợp, các công trình di sản kiến trúc tiêu biểu được lựa chọn trong không gian tuyến Giao lộ sáng tạo, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bắc Bộ Phủ, Cung Thiếu nhi Hà Nội… cũng đón lượng lớn du khách.

 Xếp hàng chờ tham quan Tòa nhà Đại học Tổng hợp (cũ) – số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: Ng. Phương

Xếp hàng chờ tham quan Tòa nhà Đại học Tổng hợp (cũ) – số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: Ng. Phương

Tại tọa đàm Di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo ngày 13.11, KTS. Nguyễn Hồng Quang - người thiết kế pavilion Dòng tại Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ cho biết: Hà Nội là một tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ, trong đó những công trình kiến trúc tạo ra khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Năm 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tổ chức ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chứng minh tiềm năng của di sản công nghiệp lâu đời. Năm nay, trong quá trình tìm hiểu tuyến địa điểm từ khu vực Cao Xà Lá đến Hoàng Thành… những người thực hiện thấy nhiều “viên ngọc quý” kiến trúc ở trung tâm Hà Nội chưa được nhiều người biết đến. Lễ hội chính là nơi các kiến trúc sư, nghệ sĩ, nhà quản lý và cộng đồng cùng nhau chia sẻ ý tưởng, hợp tác để tái tạo sức sống cho di sản này.

KTS. Nguyễn Hồng Quang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng và phát triển của di sản kiến trúc. Ông ví von thành phố như một cơ thể sống, trong thời đại mới, cần có sự “giãn nở”, thay đổi để phù hợp với thời đại. Trong ý tưởng đó, pavilion Dòng gồm 2 pavilion đưa công chúng đi từ một không gian “mở” (Vườn hoa Diên Hồng) đến không gian “đóng” (bên trong Bắc Bộ Phủ), và điểm kết của tuyến là khu vườn nghệ thuật để người xem cảm nhận sự kết nối 2 pavilion này, tựa như một dòng chảy lịch sử từ di sản tới hiện tại.

Với di sản sống Cung Thiếu nhi Hà Nội, nhóm của Giám tuyển Vân Đỗ - Giám đốc nghệ thuật Á Space, đề xuất phát huy tiềm năng cơ sở vật chất sẵn có. Trong đại triển lãm “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” có 2 dạng: hoạt động tĩnh và hoạt động tương tác, trải nghiệm. Bên cạnh “can thiệp nhẹ nhàng” vào không gian có sẵn, nhóm giám tuyển muốn giới thiệu công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội tới công chúng, và gợi mở rằng không chỉ dành cho thiếu nhi, nơi đây có thể trở thành nơi nuôi dưỡng hoạt động sáng tạo…

Thiết kế pavilion Rồng rắn lên mây lại như một cuộc đối thoại giữa yếu tố đương đại với vẻ cổ kính của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. KTS. Nguyễn Công Hiệp và cộng sự từ CA' Library mong muốn tạo ra nơi chốn để thu hút mọi người đến ngắm nhìn công trình di sản này. Xen kẽ trong không gian là tác phẩm sắp đặt Tỷ lệ có phải là vấn đề? trưng bày các mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở các tỷ lệ và chất liệu khác nhau, để người tham gia nhìn ngắm và khám phá dáng vẻ của công trình từ nhiều góc độ, hiểu hơn về lịch sử và phong cách kiến trúc của Bảo tàng.

Giữ "nét duyên" Hà Nội

Nhiều năm tham gia bảo tồn di sản, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận thấy: “Sống lâu với thành phố này, chúng ta hầu như quá quen, thậm chí chai lì với những gì Hà Nội có, nhiều khi không nhận ra công trình kiến trúc, không gian đẹp. Hà Nội lưu trữ những kiến trúc đặc sắc, kết hợp nhuần nhị các nền văn hóa, văn minh… tạo ra thành phố gần gũi, thân thiện và có duyên. Để giữ gìn điều đó, bên cạnh trùng tu, giữ nguyên giá trị các công trình lớn, cần đồng thời cải tạo, chỉnh trang những con đường, mặt phố. Thực tế đòi hỏi vừa có tư duy bảo tồn vừa sáng tạo để lưu giữ, phát huy giá trị đặc sắc của thành phố”.

Theo TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, với Hà Nội, vấn đề bảo tồn được đặt ra khoảng 30 năm nay. "Được giao nhiệm vụ trùng tu các công trình trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, khi mới thực hiện, chúng tôi theo hướng trả lại không gian ban đầu, khôi phục các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội. Tuy nhiên, các không gian này có nhiều giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, trong khi nhiều người chưa được tiếp cận. Bởi vậy, chúng tôi đã cùng với các nhóm nghệ sĩ đưa vào những tác phẩm, nội dung không ảnh hưởng đến giá trị di tích, qua đó để mọi người hiểu thêm giá trị di sản cần được bảo vệ”.

Sức hút của các công trình kiến trúc của Hà Nội cũng cho thấy thành phố cần có những cách thức để truyền sinh khí, tạo sức hấp dẫn, phát huy giá trị di sản. Nếu thích ứng tốt với xã hội đương đại, di sản ấy sẽ có vai trò thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, tận dụng sự sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội.

Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết: Là một trong những điểm di sản đưa vào tuyến Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã khơi gợi Bảo tàng cần có hoạt động phát huy di sản kiến trúc hơn nữa, từ kiến trúc làm cầu nối với di sản trong Bảo tàng. Điều đó cũng đặt ra việc đối thoại cũ và mới, hài hòa giữa bảo tồn và lắp ghép yếu tố hiện đại với khuôn viên này.

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, triển lãm nghệ thuật trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đều tiếp nhận các sản phẩm, sử dụng hiệu quả các kết quả dành cho không gian công cộng, không gian trong nhà. Theo TS.KTS Phạm Tuấn Long, sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, việc bảo tồn, phát huy các di sản kiến trúc cần có sự đồng hành, phối hợp của nhiều bên. Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, với nhiều nội dung mới liên quan đến khai thác, sử dụng, nhượng quyền trong sử dụng tài sản công… được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hướng khai thác, phát huy hiệu quả các di sản này thời gian tới.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vien-ngoc-quy-trong-thanh-pho-sang-tao-post396287.html
Zalo