Hồng Ánh, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, NSƯT Mỹ Duyên cùng nhau mang tinh thần mới cho vở kịch cảm tác từ 'Truyện Kiều'
Dàn diễn viên hùng hậu và đạo diễn Quang Thảo mang đến vở kịch 'Dưới bóng giai nhân', cảm tác từ 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du, với một tinh thần rất mới và hiện đại cho các nhân vật vốn đã quá quen thuộc với đại chúng.
Tác phẩm chính kịch mang tênDưới bóng giai nhân, cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Tham gia vở diễn là những tên tuổi đáng chú ý của làng kịch nghệ, như: Hồng Ánh, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, NSƯT Mỹ Duyên, Tuyền Mập, Đình Toàn, NSƯT Đại Nghĩa, Công Danh… Riêng nghệ sĩ Quang Thảo sẽ không góp mặt trên sân khấu, lần này anh đứng ở hậu trường, trong vai trò tác giả kịch bản và đạo diễn của dự án.
Ngoài những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của nhà hát Kịch Idecaf như đã giới thiệu ở trên, vở diễn còn quy tụ nhiều tên tuổi gạo cội khác, đặc biệt là NGƯT - nghệ sĩ Diệu Đức và NSƯT Bạch Long.
Bên cạnh đó là dàn diễn viên trẻ nhiều triển vọng: Phạm Hùng, Kan Lê, Hữu Đạt, Minh Sang, Ngọc Nguyên, Thanh Anh, Phạm Hạnh, Trúc My… cùng sự phụ diễn của tập thể diễn viên Nhà hát thiếu nhi Nụ Cười. Vở kịch sẽ chính thức công diễn từ tháng 12/2024, tại nhà hát Bến Thành.
Theo Quang Thảo, kịch bản Dưới bóng giai nhân được phổ thêm những diễn biến mới mẻ, lồng ghép vào đó những yếu tố nhân văn thời đại. Bằng phong cách dàn dựng hiện đại. Song song, chầu văn và ngâm Kiều là các chất liệu nghệ thuật đậm chất Việt được sử dụng, làm dày thêm hồn dân tộc cho vở diễn.
Con số ấn tượng 14 màn trong vở kịch cũng khiến giới chuyên môn và khán giả thêm mong đợi ngày tận mắt thưởng thức, để thấy các thủ pháp nghệ thuật chuyển màn nào sẽ được đạo diễn Quang Thảo áp dụng.
Xuyên suốt 3 giờ đồng hồ của vở kịch Dưới bóng giai nhân, Hồng Ánh đã cho thấy một sức diễn bền bỉ, khi xuất hiện gần như xuyến suốt các phân cảnh. Nàng Kiều của Hồng Ánh được khắc họa đầy mạnh mẽ, dám đương đầu với sự lựa chọn của bản thân. Và như đạo diễn Quang Thảo chia sẻ, nếu không là Hồng Ánh thì thật khó có nữ nghệ sĩ nào đảm nổi một vai 'nặng ký' này.
Trong khi đó, Hoạn Thư của nghệ sĩ Thanh Thủy lại là một chân dung khiến nhiều người xem phải suy ngẫm, khi mang tính thời đại hơn. Quang Thảo đã viết nên một Hoạn Thư đầy nội tâm để lý giải cho những lời đồn mà người đời gắn lên mình. Xứng danh là 'nghệ sĩ muôn mặt' của sân khấu Việt Nam, Thanh Thủy đã có thêm một vai diễn khẳng định tài danh của mình.
Nhân vật Đạm Tiên của NSƯT Mỹ Duyên lại được sáng tạo mới cho vở kịch lần này. Đây cũng là một vai diễn đòi hỏi khả năng diễn xuất khi nhân vật được xem như 'nội tâm' của nàng Kiều. Người xem có thể thấy được sự tương phản của Thúy Kiều khi đối diện với các tình huống 'tiến thoái lưỡng nan', trước những bước ngoặt thay đổi cuộc đời mình. Và Đạm Tiên của NSƯT Mỹ Duyên thật sự là một sáng tạo thú vị của vở kịch.
Nghệ sĩ Hoàng Trinh thủ vai tú bà Lã Thu, vốn là một nghề thấp hèn của xã hội thời xưa nhưng vai diễn đã cho thấy một khía cạnh khác của người phụ nữ không may sa vào con đường đầy tai tiếng này.
Cả 4 thân phận đàn bà trong vở kịch chính là những định kiến đã áp đặt lên người phụ nữ từ trước đến nay. Họ vẫn đang không ngừng cố gắng tự bản thân có thể đưa ra quyết định, lựa chọn cho số phận của mình thay vì phụ thuộc và chờ đợi vào cuộc đời. Đạo diễn Quang Thảo đã thay đổi và mang đến một tinh thần mới mẻ cho một vở kịch cảm tác từ tác phẩm quá nổi tiếng Truyện Kiều.
Ngoài các nữ diễn viên đã kể trên, Đình Toàn, NSƯT Đại Nghĩa, Công Danh cũng mang đến nhiều cảm xúc thăng trầm cho khán giả trong vở kịch lần này. Dù rằng, đôi khi xem khán giả không khỏi tránh được sự so sánh hoặc liên tưởng vì Truyện Kiều đã quá quen thuộc nhưng sự thay đổi là điều đáng ghi nhận để thu hút lứa khán giả trẻ, cùng với một thị hiếu và tư tưởng cũng trẻ trung hợp thời.