Viên kẹo có 33% chất làm thuốc xổ đánh vào nỗi sợ táo bón
Viên kẹo được quảng cáo như 'cứu tinh cho người kén rau' thực chất chỉ là nhồi nhét nguyên liệu làm thuốc xổ, trục lợi trên sức khỏe người tiêu dùng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) xác định kẹo Kera – thực phẩm bổ sung do Công ty Asia Life sản xuất – là hàng giả.
Bạn có bao giờ rùng mình khi đối diện đĩa rau xanh? Trẻ con khóc thét, người lớn lảng tránh, chỉ vì nỗi sợ hãi dai dẳng với rau củ. Hậu quả không ai muốn: táo bón gõ cửa, kéo theo khó chịu và lo lắng triền miên.
Chính điều này mở đường cho các sản phẩm "cứu tinh" ra đời, quảng cáo bổ sung chất xơ mà chẳng cần thay đổi thói quen.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào gắn mác chất xơ cũng đáng tin. Điển hình như kẹo Kera, bị phát hiện chứa tới 33% sorbitol – nguyên liệu làm thuốc xổ – thay vì chất xơ thực sự. Điều này biến lời quảng cáo thành chiêu trò lừa dối, lợi dụng nỗi lo kén rau, táo bón để trục lợi.
Kera giải quyết nỗi sợ táo bón bằng thuốc xổ
Táo bón là nỗi sợ của nhiều người. Cuộc sống hiện đại dễ dẫn đến táo bón với chế độ ăn thiếu chất xơ, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít uống nước, lười vận động và căng thẳng từ công việc... Thậm chí, những người nổi tiếng thừa nhận “không ăn được rau”, khiến kinh nghiệm cá nhân này càng lan tỏa trong cộng đồng.

Sản phẩm kẹo rau Kera được Hằng Du Mục, Thùy Tiên, Quang Linh giới thiệu trong một phiên bán hàng.
Ông Nguyễn Hồng Vũ, Tiến sĩ về sinh học phân tử trong Y học tại Mỹ, nhận định, chiến thuật marketing “đánh vào nỗi sợ hãi” và đưa ra giải pháp “đơn giản” luôn cho thấy hiệu quả trên số đông. Nhất là khi số đông đó thiếu kiến thức, mất cảnh giác và bị ánh hào quang của người nổi tiếng làm “lóa mắt”.
"Câu nói “1 viên kẹo tương đương 1 đĩa rau” là một ví dụ điển hình cho chiến thuật này", TS Vũ nói.
Dù rằng có tuyên bố “định lượng” hùng hồn như vậy, nhưng người tiêu dùng không tìm ra bất kỳ thông tin nào về trọng lượng chất xơ trên vỏ hộp sản phẩm, cũng như trên trang chính hãng của kẹo Kera, sản phẩm do Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng bá.
Tối 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) xác định kẹo Kera – thực phẩm bổ sung do Asia Life sản xuất – là hàng giả. Từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, Asia Life sản xuất hơn 160.000 hộp cho Chị Em Rọt, với 135.000 hộp đã bán ra. Kết quả điều tra phát hiện kẹo chứa hơn 33% sorbitol – chất làm thuốc xổ.

Hằng Du Mục tại buổi "gặp gỡ thần tình" hôm 14/3. Ảnh: Việt Linh.
Sorbitol là một loại carbohydrate (chất có chứa các nguyên tử carbon, hydrogen và oxygen). Vì có chứa nhóm OH- (hydroxyl group) trong phân tử, sorbitol thuộc nhóm "rượu đường", hay còn gọi là polyol. Tuy có vị ngọt, nó không giống đường bình thường (như glucose, fructose, sucrose…), sorbitol không dễ phân hủy bằng các enzyme có trong cơ thể nên chúng ta ít hấp thụ loại đường này.
Nhờ đặc điểm này, TS Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh ngoài tác dụng tạo ngọt nó còn có tác dụng "trị táo bón" qua các cơ chế sau:
- Vì có bản chất rượu nên sorbitol có khả năng hấp thu nước (do vậy nó cũng được sử dụng như chất tạo độ ẩm cho thực phẩm). Khi đến ruột già, tác dụng "kéo nước" của nó giúp làm mềm phân.
- Sorbitol sẽ được lên men bởi vi khuẩn trong ruột già, tạo ra khí và axit béo chuỗi ngắn, có thể dẫn đến đầy hơi, kích thích nhu động ruột và đôi khi xảy ra tiêu chảy khi bị kích thích quá mức.
Sử dụng sorbitol để chống táo bón chỉ nên là phương pháp "tạm thời" vì có thể dẫn đến phụ thuộc, táo bón mạn tính hoặc giảm khả năng tự nhiên của ruột để thải chất thả, mất nước, mất cân bằng điện giải, tổn thương ruột và giảm nhu động ruột.


Kẹo Kera được quảng cáo trên trang web công ty.
Giải pháp nào cho người kén rau?
Chất xơ là một loại carbohydrate (gồm đường, tinh bột, chất xơ) có trong thực vật.
Có hai loại chất xơ là loại thô (xơ không hòa tan) và loại mịn (xơ hòa tan), loại xơ càng mịn thì khả năng phân giải và đồng hóa càng cao và dễ dàng hòa tan. Ví dụ: xơ của khoai tây, bắp cải là dạng xơ mịn (hòa tan) còn xơ của các vỏ của hạt ngũ cốc (gạo, ngô, lúa mỳ...) là xơ thô, bền vững và không hòa tan.
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, hầu hết chất xơ không có giá trị dinh dưỡng, nhưng được coi là một thực phẩm chức năng. Chất xơ có tác dụng nhuận tràng, kích thích khả năng hoạt động của ruột già, tăng khả năng tiêu hóa. Đồng thời, nó cũng là tác nhân tham gia thải loại các sản phẩm oxy hóa, các chất độc hại ra khỏi cơ thể, giảm được nguy cơ về các bệnh ung thư đại tràng, ruột kết.
Tại ruột già, một số chất xơ được lên men tạo ra những acid béo mạch ngắn, được hấp thu cũng góp phần cung cấp một ít năng lượng. Chất xơ còn hấp thụ một số chất có hại cho sức khỏe. Ngoài ra chất xơ còn có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, giảm các bệnh tim mạch, điều hòa đường huyết và làm giảm đậm độ năng lượng trong khẩu phần, được sử dụng cho người thừa cân - béo phì, người mắc các bệnh tim mạch, táo bón.
Chất xơ có nhiều trong rau, hoa quả, ngũ cốc (nhất là các loại hạt toàn phần), khoai củ. Những loại thực phẩm đã tinh chế như bột mì, bột gạo, ... lượng chất xơ bị giảm đáng kể, nên chỉ có rất ít chất xơ.

Ăn trái cây cũng là cách bổ sung chất xơ nhanh, dễ và giá thành rẻ. Ảnh: Pexels.
Như vậy, chất xơ không chỉ có trong rau, những người không ăn được rau hoàn toàn có thể bổ sung chất xơ từ các loại hoa quả như chuối, ổi, đu đủ, táo, lê, dứa... và các loại khoai củ, bột mì.
Theo IOM-FNB (Mỹ) và FAO cần có 14 g chất xơ cho mỗi 1000 Kcal của khẩu phần. Ví dụ, trong khẩu phần với năng lượng 2.000 Kcal/ngày cần có tối đa khoảng 28 g chất xơ.
Viện dinh dưỡng Quốc gia cho hay có thể đảm bảo được nhu cầu này đối với mọi cá thể từ 2 tuổi trở lên bằng cách mỗi ngày cần ăn 2 lần các loại quả, ăn 3 hoặc hơn 3 lần các loại rau, và ăn 6 lần hoặc hơn các sản phẩm dạng hạt.
Số lượng trong mỗi lần ăn, cần phù hợp với lứa tuổi và khả năng có được các thực phẩm này. Với người Việt Nam do điều kiện cụ thể về sinh lý, thể lực, tập quán ăn uống và nhu cầu các chất dinh dưỡng khác, Viện đưa ra nhu cầu chất xơ khuyến nghị tối thiểu là từ 20-22 g/ngày.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết nên bổ sung chất xơ mỗi ngày bằng cách ăn các loại thực phẩm như bông cải xanh (5 g chất xơ), quả mọng (4 g chất xơ), táo (4,4 g chất xơ), lê (5,5 g chất xơ), yến mạch (10,6 g chất xơ/100g).
Ngoài ra, các loại rau củ dễ mua, dễ sử dụng hàng ngày như bắp, ổi, dây tây, chuối, lựu, cải xanh, bông cải, khoai lang... cũng chứa 3-11 g chất xơ.