Viêm xoang dị ứng thời tiết chữa thế nào hiệu quả?

Viêm xoang dị ứng thời tiết hay viêm mũi xoang dị ứng theo mùa là một loại của viêm mũi xoang dị ứng. Đây là tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang xảy ra do tiếp xúc với dị nguyên trong không khí, chủ yếu là do phấn hoa và bào tử. Biểu hiện của bệnh là các triệu chứng hắt hơi, ngạt, ngứa và chảy mũi.

Viêm xoang dị ứng thời tiết thường đặc trưng bởi tính chất kéo dài từ năm này qua năm khác và thường theo mùa. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến là ở thanh thiếu niên và người có tiền sử dị ứng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mũi xoang dị ứng theo mùa chủ yếu là phấn hoa và bào tử. Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tình trạng triệu chứng như:

Miễn dịch kém: Hệ miễn dịch suy yếu có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.
Cơ địa dễ dị ứng: Những người có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người bị dị ứng.

Triệu chứng của viêm xoang dị ứng thời tiết

Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng có thể thay đổi ở mỗi thời điểm hoặc độ tuổi và tùy thuộc vào các yếu tố như môi trường sống, hệ miễn dịch... Tuy nhiên, nhìn chung bệnh nhân bị viêm xoang dị ứng thời tiết sẽ có các biểu hiện sau:

Nghẹt mũi, tắc mũi: Khi bị viêm thì xoang mũi xuất hiện phù nề kết hợp với tích tụ dịch nhày gây nghẹt mũi. Việc này cũng làm khứu giác của người bệnh kém nhạy cảm hơn so với bình thường.
Ngứa mũi, hắt hơi từng tràng: Bệnh nhân bị ngứa ở một hoặc cả 2 bên hốc mũi, tạo cảm giác muốn hắt hơi liên tục.
Sổ mũi, chảy nước mũi: Viêm xoang sinh ra rất nhiều dịch tiết, người bệnh sẽ bị chảy nước mũi trong. Đôi khi dịch này chảy xuống họng gây ngứa hoặc đau họng.
Nhức đầu: Tình trạng sưng trong xoang cùng áp lực lớn gây ra những cơn đau đầu. Và triệu chứng thường nặng hơn vào buổi sáng do các chất lỏng đã tích tụ sau một đêm.

Viêm xoang dị ứng thời tiết hay viêm mũi xoang dị ứng theo mùa là một loại của viêm mũi xoang dị ứng.

Viêm xoang dị ứng thời tiết hay viêm mũi xoang dị ứng theo mùa là một loại của viêm mũi xoang dị ứng.

Cách chữa viêm xoang dị ứng thời tiết

Bệnh viêm xoang dị ứng thời tiết tuy không nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh cần được thăm khám để điều trị phù hợp. Do có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh, biểu hiện lâm sàng khác nhau ở các bệnh nhân, thay đổi theo môi trường, cơ địa, sự quá mẫn cảm của cơ thể nên không thể áp dụng một phương thức điều trị chung, mà cần thay đổi theo từng người, từng hoàn cảnh, từng thời gian. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, cụ thể như sau:

Điều trị đặc hiệu tác động vào dị nguyên và kháng nguyên dị ứng:

Tránh dị nguyên: Bằng cách thay đổi nơi ở, nơi làm việc, đổi thuốc đang sử dụng hoặc chế độ ăn. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện vì ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh.

Giảm mẫn cảm đặc biệt: Là một trong các biện pháp miễn dịch, được xem là "vaccine" trong điều trị viêm xoang dị ứng. Cách sử dụng thường thông qua tiêm dưới da, nhỏ dưới lưỡi hoặc nhỏ tại chỗ ở mũi.

Điều trị không đặc hiệu tác dụng vào hoạt chất trung gian và triệu chứng lâm sàng. Sử dụng các thuốc như:

Thuốc kháng Histamin: Giúp giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh bằng cách ngăn tiết Histamin.

Thuốc Corticoid: Giúp giảm viêm và các triệu chứng của bệnh, dùng ở dạng xịt hoặc uống theo chỉ định.

Thuốc ức chế Leukotriene: Giúp ngăn chặn hoạt động của chất gây phản ứng viêm, tạo ra các triệu chứng bệnh - Leukotrienes.

Thuốc thông mũi: Có ở dạng uống, xịt giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi để bệnh nhân dễ thở hơn.

Thuốc xịt mũi cromolyn natri: Dùng để ngăn chặn các chất gây dị ứng, tạo ra phản ứng viêm.

Trường hợp bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính có bội nhiễm, phì đại cuốn mũi, polyp mũi mà không đáp ứng thuốc sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Phòng ngừa viêm xoang dị ứng thời tiết

Bệnh viêm xoang dị ứng thời tiết có thể phòng ngừa tái phát cũng như giảm tình trạng của triệu chứng bằng cách:

Sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà, nhất là ở những nơi có các dị nguyên gây dị ứng.

Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên sẽ giúp cải thiện hoạt động của niêm mạc mũi xoang cũng như loại bỏ dị nguyên.

Luôn giữ môi trường xung quanh được sạch sẽ, hút bụi thường xuyên, tránh sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc.

Tránh tiếp xúc với khói thuốc để bảo vệ mũi cũng như giảm các phản ứng viêm.

Tăng cường miễn dịch, khả năng chống chọi với sự thay đổi của thời tiết bằng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng dinh dưỡng và tập thể dục.

Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa rượu bia để tránh làm giảm miễn dịch cũng như tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

BS Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-xoang-di-ung-thoi-tiet-chua-the-nao-hieu-qua-169250213154838507.htm
Zalo