Bước đột phá trong chữa trị bệnh nhân ung thư thực quản
Tại Việt Nam, 70% bệnh nhân ung thư thực quản được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn này, hầu hết bệnh nhân đều không thể áp dụng các phương pháp điều trị triệt để như phẫu thuật hay xạ trị. Thời gian gần đây, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã áp dụng phác đồ pembrolizumab kết hợp hóa trị cho thấy có đáp ứng tốt, kiểm soát triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Lan Hương, khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thăm khám cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Tháng 3/2024, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân P.Đ.T (69 tuổi, trú tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Bệnh nhân có triệu chứng đau cổ, nuốt vướng, khó khăn khi ăn uống, cơ thể mệt mỏi, gầy sút cân.
Ông P.Đ.T từng điều trị ung thư đại trực tràng từ năm 2016 - 2017. Sau khi điều trị và một vài lần tái khám, vì sức khỏe hồi phục tốt nên ông chủ quan trong thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sau khi thực hiện tất cả chỉ định cận lâm sàng cần thiết, cùng với xét nghiệm mô bệnh học khối u, các bác sĩ đánh giá ung thư thực quản lần này không phải do sự tái phát và di căn của ung thư đại trực tràng, mà là một bệnh ung thư mới phát hiện trên bệnh nhân.
Từ tháng 3 - 5/2024, ông P.Đ.T nhập viện thực hiện hóa xạ trị đồng thời. Sau đó, ông được theo dõi kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, tháng 9/2024 có xuất hiện tổn thương gan đa ổ, nốt lớn nhất có kích thước 20mm và được xác định là tổn thương di căn. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn IV, di căn gan.
Cân nhắc về tình trạng sức khỏe cùng kết quả cận lâm sàng, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Lan Hương (Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) hội chẩn cùng các bác sĩ và quyết định phương pháp điều trị toàn thân. Phác đồ được lựa chọn là hóa trị Cisplatin-5 FU kết hợp với thuốc miễn dịch pembrolizumab. Sau 3 chu kỳ, nốt gan lúc đầu 20mm giảm còn 8mm, nhiều tổn thương gan trước điều trị nay không còn thấy trên phim CT. Sau 6 chu kỳ (từ tháng 10/2024 đến nay), hình ảnh các tổn thương ở gan và thực quản đã biến mất trên phim CT. Bệnh nhân tăng ký, ăn uống và sinh hoạt trở lại bình thường, sức khỏe cải thiện tốt.
Bác sĩ Lan Hương thông tin, việc điều trị ung thư thực quản gặp nhiều khó khăn vì đa số bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn, khối u xâm lấn vào các mạch máu lớn, khí quản, màng phổi, màng tim gây khó khăn cho các phương pháp xạ trị hoặc phẫu thuật.
Đến nay hóa trị vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu trong điều trị toàn thân đối với ung thư thực quản giai đoạn muộn. Những năm gần đây, với sự hiểu biết nhiều hơn về hồ sơ phân tử và vi môi trường khối u, một số loại thuốc mới đã được nghiên cứu, đưa vào sử dụng, trong số đó có thuốc Pembrolizumab. Thuốc này hoạt động như một chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, giúp kích hoạt hệ miễn dịch và tăng cường khả năng nhận diện, tiêu diệt tế bào ung thư. Tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân sau khi dùng phác đồ pembrolizumab kết hợp hóa trị cho thấy có đáp ứng tốt kiểm soát triệu chứng và kéo dài thời gian sống.
Theo bác sĩ Lan Hương, phương pháp miễn dịch kết hợp hóa trị cho thấy hiệu quả rõ ràng trên bệnh nhân P.Đ.T, với đáp ứng hoàn toàn trên phim CT sau 6 đợt điều trị và cũng cải thiện triệu chứng rõ rệt.
Ung thư thực quản là một bệnh có tỷ lệ mắc hiện không cao (trên thế giới chỉ đứng thứ 11 - theo số liệu GLOBOCAN 2022), tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Châu Á là khu vực có tỉ lệ mắc cao và tử vong cao nhất với 70% số ca mắc mới, tử vong do ung thư thực quản.