Viêm não mô cầu có tỷ lệ tử vong cao
Viêm não mô cầu là bệnh đặc biệt nguy hiểm, bởi tốc độ tiến triển và có thể khiến người bệnh tử vong trong chưa đầy 24 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và thường để lại di chứng nặng nề.
Nguy cơ tiến triển nhanh
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc não mô cầu trong năm 2025. Đó là trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi, chưa tiêm vaccine phòng não mô cầu, khởi phát bệnh và nhập viện từ cuối tháng 3 vừa qua. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định. Tuy nhiên, ca bệnh này là lời cảnh báo rõ ràng về nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát nếu cộng đồng chủ quan trong việc tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), viêm não mô cầu là bệnh do vi khuẩn gây dịch nguy hiểm nhóm B, Nesseiria meningitisis cư trú ở hầu họng gây ra, lây qua đường giọt bắn. Bệnh thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư, như khu tập thể, trường học… Nhóm mắc chủ yếu là người trẻ tuổi, những người chưa có miễn dịch, tiêm phòng. Bệnh thường diễn biến nhanh gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nặng hơn gây suy đa tạng và có thể tử vong.
Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu chia ra nhiều thể. Thể đơn thuần cũng giống như các viêm màng não khác, tiến triển và điều trị trong khoảng 2 tuần sẽ khỏi. Trong khi đó, thể cấp, tối cấp, tiến triển nhanh trong vài ngày cùng các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức và đi vào hôn mê nhanh, xuất hiện những ban xuất huyết hoại tử ngoài da trong bệnh cảnh hội chứng suy thượng thận cấp, sốc và tử vong nhanh chóng.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh có thể khởi phát đột ngột với các biểu hiện ban đầu không điển hình như sốt, buồn nôn, chán ăn, đau họng… khiến người bệnh dễ chủ quan hoặc nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng đặc trưng sẽ xuất hiện rõ rệt hơn như phát ban xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng.
Tỷ lệ tử vong cao
Viêm màng não do não mô cầu tỷ lệ tử vong từ 10 - 20%. Những thể nặng nhiễm trùng huyết, suy thượng thận, cấp, tối cấp có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ. Vì thế, khi phát hiện bệnh cần điều trị và cách ly kịp thời.
Thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu ở Việt Nam trong giai đoạn 1991 - 2000 là 2,3 ca trên 100.000 dân. Đây là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất, với mức tử vong là 0,03/100.000 dân.
Một số thống kê cũng cho thấy, trẻ dưới 1 tuổi tại nước ta là nhóm có tỷ lệ mắc mới bệnh não mô cầu cao nhất, gấp 15,6 lần mức trung bình tại châu Âu. Trong khi đó, thanh thiếu niên lại là nhóm mang mầm bệnh cao nhất, với tỷ lệ tăng từ 1,8 - 5,3 lần so với các nhóm tuổi khác và hầu hết các trường hợp bệnh não mô cầu xảy ra ở những người khỏe mạnh trước đây.
Số liệu từ Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) chỉ rõ, khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi…
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, viêm màng não do não mô cầu không phải trường hợp thường gặp, chỉ xảy ra ổ dịch lẻ tẻ, hoặc các nơi khác du nhập đến. Tuy nhiên, với tính chất tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao, nên các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm não mô cầu cần đến các cơ sở y tế sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, đây là bệnh có thể phòng bằng vaccine nên người dân cũng cần lưu ý đến việc tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ tính mạng chính mình và người thân.
Cục Phòng bệnh khuyến cáo, để phòng bệnh, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi phát cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu cần được theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh, cho những người tiếp xúc gần.