'Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng'

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Nên mở rộng thu hút đầu tư PPP sang lĩnh vực tài chính

Tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương và VnEconomy tổ chức, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng việc nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng hiện nay, thu hút đầu tư PPP đa số tại các dự án hạ tầng, vì vậy nên mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược.

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp về PPP một cách minh bạch và ổn định, đặc biệt là về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân; đa dạng hóa các hình thức đầu tư như mô hình đối tác công tư, đầu tư công, quản trị tư, đầu tư tư, quản trị công….

Ngoài ra, tạo cơ chế về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm cũng rất quan trọng.

Ông cũng cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp nhận vốn từ thị trường quốc tế, qua việc nâng cao năng lực quản trị tài chính và minh bạch hóa báo cáo tài chính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài chính. Điều này sẽ giúp họ xây dựng uy tín và nâng cao cơ hội huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

Đặc biệt, theo ông, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu quốc tế, đồng thời thúc đẩy quá trình niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện để họ tiếp cận được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

“Cần tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế. Các quỹ đầu tư quốc tế này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ kỹ thuật tài chính và tư vấn chuyên sâu, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Doanh nhân này cũng đề nghị mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại. Chính phủ cần xem xét mở rộng room giới hạn sở hữu và điều chỉnh các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào việc phát triển thị trường tài chính. Điều này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực mà còn mang lại công nghệ quản trị hiện đại và tri thức tài chính tiên tiến.

Thành lập trung tâm tài chính quốc tế

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế.

“Chúng tôi nhận thấy việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là chiến lược dài hạn, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu,” ông chia sẻ.

Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn IPPG đã chỉ ra một số lợi ích quan trọng mà Việt Nam có được khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Trung tâm tài chính sẽ giúp gia tăng hiệu quả, phân bổ nguồn lực tài chính. Hiện tại Việt Nam đã có nền tảng tốt với hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang phát triển. Tuy nhiên, việc tập trung các nhiệm vụ tài chính vào một trung tâm quy mô sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn nữa giữa các nguồn vốn tong nước và quốc tế. Điều này sẽ nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Việc xây dựng trung tâm tài chính có ý nghĩa quan trọng

Việc xây dựng trung tâm tài chính có ý nghĩa quan trọng

Tiếp đó, trung tâm tài chính sẽ thu hút các định chế tài chính quốc và dòng vốn FDI chất lượng cao. Với việc xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, pháp lý rõ ràng và cơ sở hạ tầng hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn tài chính và nhà đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và trí thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế Việt Nam.

“Trung tâm tài chính sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc có một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế sẽ giúp Việt Nam khẳng định vai trò và vị trí của mình trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, qua đó mở rộng thêm cơ hội hợp tác quốc tế và tham gia sâu hơn vào các tổ chức tài chính quốc tế”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu và cho hay trung tâm tài chính cũng là nơi kết nối tài chính trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng cho biết Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng về phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

“Chưa có một kế hoạch dài hạn và nhất quán về xây dựng cơ chế chính sách cũng như lộ trình phát triển, tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư lớn muốn tham gia sớm vào thị trường”, ông nói.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng cho hay cách đây 2 năm, nếu được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ USD vào Việt Nam. Trong đó, 4 tỉ USD ở Đà Nẵng và 6 tỉ USD ở TP.HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà đầu tư Mỹ có thể đã chùn chân.

Theo ông, các nhà đầu tư cần một cơ chế cởi mở và đột phá hơn và họ cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viec-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-co-y-nghia-quan-trong-223088.html
Zalo