Việc tinh gọn bộ máy hành chính đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Tại Phiên thảo Tổ sáng 5/5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết; đồng thời nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy hành chính đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng, đòi hỏi Hiến pháp năm 2013 cần được sửa đổi, bổ sung.

Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 2

Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 2

Thực hiện Kỳ họp thứ 9, sáng 5/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tham gia thảo luận tại Tổ 2 gồm có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Đa số các ĐBQH thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy hành chính đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng, đòi hỏi Hiến pháp năm 2013 cần được sửa đổi, bổ sung một cách tương ứng. Theo đó, việc đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nên tập trung vào hai nhóm nội dung như đã nêu trong Tờ trình gồm: Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định nhằm thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đồng tình với đề xuất thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và cho rằng, Quốc hội sẽ góp ý cụ thể khi có dự thảo các điều khoản sửa đổi.

Đóng góp vào nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, quy trình thảo luận sẽ triển khai theo hai bước, dù chỉ trong một kỳ họp. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban sẽ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ Nhân dân, các ngành, các cấp. Quốc hội sẽ cho ý kiến hai lần trước khi thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Nhân dân, các cấp, ngành và ý kiến thảo luận của các ĐBQH, Ủy ban cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần 2 đối với dự thảo Nghị quyết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, trình Quốc hội thông qua. Quy trình như vậy, cộng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nội dung sửa đổi được khoanh định rõ ràng sẽ đảm bảo chặt chẽ, cẩn trọng.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93875
Zalo