Việc sử dụng đèn đối với người điều khiển phương tiện giao thông tuân theo quy tắc nào?
* Bạn đọc Danh Cáo ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc sử dụng đèn đối với người điều khiển phương tiện giao thông tuân theo quy tắc nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 20 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.
2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:
a) Khi gặp người đi bộ qua đường;
b) Khi đi trên các đoạn đường qua khu đông dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động;
c) Khi gặp xe đi ngược chiều, trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói;
d) Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.
3. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.
* Bạn đọc Nguyễn Thị Nguyệt ở phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, hỏi: Chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành cần đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn gì để được áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 179/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài đáp ứng một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Người tốt nghiệp tiến sĩ, sau tiến sĩ từ các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới;
b) Người đã và đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại các cơ sở nghiên cứu, chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của các doanh nghiệp uy tín ở nước ngoài, trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;
c) Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp đã và đang làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu Việt Nam và quốc tế, có kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng và thành tựu nổi bật trong lĩnh vực hoạt động, phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực trọng điểm tại Việt Nam;
d) Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người nước ngoài, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.