Việc chuyển nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường vẫn nghẽn
Thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc chuyển nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường vẫn nghẽn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội góp ý vào Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chiều 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ về 3 dự án luật quan trọng.
Góp ý về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhất trí với nhiều chính sách mới được đề xuất trong dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa bày tỏ sự băn khoăn với quy định về phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tại cơ sở giáo dục.
Hiện nay, quy định mức chi xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong giáo dục chưa đồng bộ, thống nhất...
Dự thảo luật quy định viên chức trong tổ chức khoa học công nghệ công lập được góp vốn, quản lý điều hành doanh nghiệp do tổ chức thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa các nghiên cứu khi được đồng ý của người đứng đầu tổ chức.
Quy định này là cần thiết, tháo gỡ vướng mắc thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà giáo cũng có quy định riêng về vấn đề này, có sự trùng lặp. Đại biểu Mai Thoa đề nghị rút quy định liên quan lại Luật Nhà giáo. Đồng thời, rà soát Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng chống tham nhũng để thống nhất quyền của viên chức trong góp vốn, thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm đến giải thích từ ngữ trong dự thảo luật
Cùng góp ý vào dự án luật này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh đặc biệt quan tâm đến giải thích từ ngữ trong dự thảo. Đại biểu đã chỉ ra một số từ ngữ cụ thể còn vướng mắc, bất cập và cần được rà soát, sửa đổi.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đại biểu cũng băn khoăn về quy định liên quan hành vi "đạo văn" trong ngành khoa học, cần rà soát, quy định tiếp về các hành vi không được thực hiện để bảo đảm sự liêm chính khoa học, đạo đức nghề nghiệp đầy đủ, rõ ràng hơn.
Qua giám sát, tiếp xúc cử tri, đại biểu nhận thấy ở cấp tỉnh, việc chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính khiến tổ chức, cá nhân ngại thực hiện nghiên cứu. Các thủ tục này phần lớn nằm ở các văn bản dưới luật là thông tư. Tại dự thảo, các điều này vẫn giao Chính phủ, bộ ngành quy định. Đại biểu đề nghị trong quá trình hoàn thiện luật phải đặc biệt chú ý việc xây dựng các văn bản thi hành luật, nếu không thì sửa luật nhưng không khắc phục được khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương đánh giá việc chuyển nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường vẫn là điểm nghẽn
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương đánh giá dự thảo luật có tư duy mới, nhiều chính sách đổi mới, sáng tạo. Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ khai thác và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ. Cần làm rõ chính sách hỗ trợ cụ thể như pháp lý, tài chính, chính sách nghiên cứu liên ngành, ứng dụng công nghệ mới nổi...
Đồng thời, làm rõ vai trò điều phối của nhà nước, cụ thể hóa định hướng hội nhập quốc tế có chọn lọc, tiếp thu, kiểm soát công nghệ tiên tiến, bảo đảm phù hợp với thực tiễn... Đặc biệt, đại biểu đề xuất bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ sau thương mại hóa nghiên cứu khoa học.
"Việc chuyển kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường vẫn đang là điểm nghẽn rất lớn. Tôi đề nghị bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ sau thương mại hóa, luật hóa các chính sách xúc tiến thương mại, cơ chế chia sẻ rủi ro trong thương mại hóa công nghệ mới...", đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Là ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra 3 dự án luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đã lắng nghe ý kiến các đại biểu và cung cấp thêm một số thông tin liên quan 3 dự án luật này.
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu cơ bản đồng tình và đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo để kịp thời thông qua tại kỳ họp này trong bối cảnh rất bức thiết khi nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra gần đây làm dấy lên sự lo ngại.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đã chỉ ra 5 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong dự thảo về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, hiệu lực thi hành... Trong đó, đại biểu cho biết nhiều ý kiến đề xuất ghép luật này với Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn. Đại biểu cho rằng thời điểm này, việc gộp 2 luật là chưa phù hợp. Thời gian tới, trong quá trình triển khai 2 luật mà cho thấy sự phù hợp thì sẽ "sáp nhập luật" là hợp lý.