Giá trị trường tồn của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào-Campuchia

Theo các chuyên gia tại Phnom Penh, trong bối cảnh hiện nay càng thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác anh em láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam-Lào-Campuchia.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/4. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/4. (Ảnh: TTXVN)

Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/4 vừa qua, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã đề cập đến các nhân tố dẫn tới thắng lợi lịch sử của dân tộc Việt Nam cách đây tròn nửa thế kỷ, trong đó có tình đoàn kết đặc biệt giữa ba quốc gia láng giềng Việt Nam, Lào và Campuchia.

Thông qua nhiều cuộc gặp và trao đổi gần đây của phóng viên TTXVN với các chuyên gia phân tích tại Phnom Penh, các ý kiến cũng có chung nhận định trên và đều cho rằng bối cảnh hiện nay càng cho thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác anh em láng giềng tốt đẹp giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam - một di sản lịch sử vô giá cần khắc ghi, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Tình đoàn kết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhà báo Khieu Kola, biên tập viên cao cấp của kênh truyền hình CNC (thuộc tập đoàn Royal Group) và là cố vấn Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia, nhận định rằng cuộc chiến tranh tại Việt Nam cách đây hơn 50 năm có nguyên nhân từ sự can dự của các cường quốc và đã tác động đến toàn khu vực. Bối cảnh đó yêu cầu nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào phải đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù chung, bảo vệ độc lập và nền hòa bình của từng quốc gia, cũng như khu vực.

Điểm lại các sự kiện lịch sử liên quan, nhà báo kỳ cựu người Campuchia cho biết từ năm 1964 trở đi, đế quốc Mỹ và một số nước đồng minh đã đưa quân vào miền Nam Việt Nam chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi đế quốc xâm lược với tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.”

Theo ông, nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào vốn yêu chuộng hòa bình, không muốn xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt vào thập niên 70 của thế kỷ trước và tình cảnh phải hứng chịu nhiều triệu tấn bom đạn rải thảm của kẻ thù chung, nhân dân ba nước bắt buộc phải cầm súng, đứng lên bảo vệ sinh mệnh và đất nước mình.

“Chúng ta đã cùng đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc để giành lại độc lập dân tộc. Vì nhân dân Campuchia-Lào-Việt Nam không có mong muốn gì ngoài khát vọng hòa bình, độc lập, tự do,” ông Khieu Kola nói.

 Nhà báo kỳ cựu Khieu Kola bày tỏ vinh dự được tham dự chương trình kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975-30/4/2025). (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Nhà báo kỳ cựu Khieu Kola bày tỏ vinh dự được tham dự chương trình kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975-30/4/2025). (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Nhà báo kỳ cựu cho biết vào thời điểm đó, tại Campuchia cũng diễn ra phong trào đấu tranh sát cánh cùng nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi giải phóng Phnom Penh vào ngày 17/4/1975, quân Pol Pot và chế độ Kampuchea Dân chủ đã đưa đất nước Campuchia vào một giai đoạn bi thảm với giết chóc và nạn diệt chủng. Không chỉ vậy, chính quyền này còn thể hiện lập trường thù địch và tiến hành các hành động gây hấn với quốc gia láng giềng Việt Nam.

Đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia lúc bấy giờ, quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia hỗ trợ, góp phần chấm dứt chế độ Khmer Đỏ vào ngày 7/1/1979, mở đường cho quá trình khôi phục đất nước Campuchia sau một giai đoạn tàn khốc.

Từng là nạn nhân của chế độ Kampuchea Dân chủ, sau khi đất nước được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng, chàng trai trẻ Khieu Kola năm nào đã biến nỗi đau thành hành động, tham gia Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, phục vụ công cuộc bảo vệ hòa bình và tái thiết quê hương Chùa Tháp. Ông chia sẻ đầy cảm xúc: “Nếu không có sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam vào ngày 7/1/1979, tôi chết lâu rồi, không có ngày hôm nay để trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam.”

Bài học lịch sử từ sự gắn kết vận mệnh

Tiến sỹ Chheang Vannarith, một chuyên gia phân tích, đồng thời là Phó Tổng Thư ký, Trưởng nhóm cố vấn của Quốc hội Campuchia, cho rằng cần thừa nhận sự thật lịch sử về những gì đã diễn ra trong quá khứ và nếu không có sự ủng hộ lẫn nhau, có lẽ ba nước Campuchia, Việt Nam và Lào khó hoàn thành công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước của mình vào nửa cuối thế kỷ 20.

Theo Tiến sỹ Chheang Vannarith, nếu không có sự ủng hộ của Campuchia và Lào, Việt Nam khó hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước và chiến tranh có thể kéo dài hơn. Ở chiều ngược lại, nếu không có sự ủng hộ, hỗ trợ của Việt Nam, Campuchia không thể được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. “Đó là bài học lịch sử, là thực tiễn lịch sử mà chúng ta phải công nhận, rằng khi chúng ta hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu chung và lợi ích cốt lõi của mình,” chuyên gia người Campuchia lưu ý.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ông Chheang Vannarith ví tình hữu nghị, đoàn kết lịch sử đặc biệt giữa Campuchia, Lào và Việt Nam như kiềng ba chân. Nếu một trong 3 quốc gia gặp vấn đề thì đều sẽ ảnh hưởng đến cả 3 chân kiềng.

Khẳng định ba quốc gia láng giềng anh em có cùng sứ mệnh hỗ trợ lẫn nhau, cùng đấu tranh giành độc lập và chủ quyền quốc gia, hòa bình và phát triển của đất nước mình, Tiến sỹ Chheang Vannarith nhấn mạnh: “Chúng ta gắn kết với nhau bởi vận mệnh thông qua mối quan hệ lịch sử sâu sắc. Chúng ta cùng nhau chịu đựng ách thống trị của thực dân và sự xâm lược của đế quốc, cũng như cùng nhau đấu tranh giành độc lập. Và trong suốt những năm tháng đó, chúng ta luôn đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau.”

 Tiến sỹ Chheang Vannarith - Phó Tổng Thư ký, Trưởng nhóm Cố vấn Quốc hội Vương quốc Campuchia, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh. (Ảnh: Quang Anh/TTXVN)

Tiến sỹ Chheang Vannarith - Phó Tổng Thư ký, Trưởng nhóm Cố vấn Quốc hội Vương quốc Campuchia, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh. (Ảnh: Quang Anh/TTXVN)

Từ góc nhìn lịch sử đó, chuyên gia người Campuchia cho rằng nhân dân ba nước và các thế hệ sau này cần hiểu rõ, công nhận, gìn giữ và thúc đẩy truyền thống hữu hảo, di sản hữu nghị giữa ba dân tộc như một sự thật và nhân tố khách quan của lịch sử. Theo ông, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị phức tạp và khó lường, căng thẳng địa kinh tế và chiến tranh thương mại hiện nay, tinh thần đoàn kết giữa ba quốc gia láng giềng ở Đông Dương càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhấn mạnh thêm rằng nếu thiếu đoàn kết, tất cả đều thua và không bên nào thắng cả, ông Chheang Vannarith nêu rõ: “Bối cảnh hiện nay càng cho thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác anh em láng giềng tốt đẹp giữa Campuchia, Lào và Việt Nam. Đó là tài sản lịch sử hết sức quan trọng mà chúng ta cần phải ghi nhớ, giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ mai sau.”

Cùng viết tiếp câu chuyện hòa bình

Trao đổi với phóng viên TTXVN, nhà báo kỳ cựu Khieu Kola cho rằng tinh thần đoàn kết, hòa hợp và xây dựng hòa bình của ngày 30/4/1975 là vô cùng ý nghĩa đối với Việt Nam và khu vực. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý chi tiết liên quan sự kiện Campuchia chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 30/4/1999, cùng sự ủng hộ của Việt Nam.

Theo ông Khieu Kola, chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, tháng 12/1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 và thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội, góp phần quan trọng trong việc tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, định hướng cho sự phát triển và hợp tác của khối. Ngoài ra, để hiện thực hóa ý tưởng quy tụ đủ 10 quốc gia Đông Nam Á dưới “mái nhà chung ASEAN,” Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy thành công việc kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar vào tổ chức khu vực này.

Nhắc lại sự kiện trên, nhà báo kỳ cựu Khieu Kola cho rằng việc chính thức trở thành thành viên ASEAN đã mở đường cho Campuchia gia nhập các tổ chức quốc tế khác, phục vụ tiến trình tái thiết đất nước, phát triển kinh tế xã hội và đưa sự thịnh vượng đến quê hương Chùa Tháp như ngày hôm nay.

Trong cuộc trò chuyện mới đây tại Phnom Penh, ông Khieu Kola còn nhắc lại thành công của cuộc gặp cấp cao giữa hai đảng của Campuchia và Việt Nam, cũng như cuộc gặp cấp cao giữa ba đảng của Campuchia, Lào và Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng Hai vừa qua. Theo ông, sự kiện trên gửi đi thông điệp với thế giới rằng ba nước luôn sát cánh cùng nhau trong công cuộc xây dựng hòa bình, chung tay đóng góp vào tiến trình phát triển của ASEAN, vì một ASEAN hòa bình và phi hạt nhân.

Nhà báo Khieu Kola đánh giá với tư cách thành viên chính thức của ASEAN, Campuchia-Việt Nam-Lào hợp tác với tất cả các bên trên tinh thần chung sống hòa bình, thế giới đại đồng, chung tay xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/gia-tri-truong-ton-cua-tinh-doan-ket-dac-biet-viet-nam-lao-campuchia-post1036977.vnp
Zalo